Xếp loại hộ nghèo

Không ai muốn kể chuyện nhà mình nghèo, nhưng nếu xét riêng một số bất cập trong việc triển khai phân loại hộ nghèo tại một số địa phương lại là chuyện khác. Bởi đôi khi có người nghèo thật, nhưng không được xếp loại là hộ nghèo, trong khi có người không nghèo lại sở hữu danh phận ấy.

Được đánh giá là hộ nghèo sẽ có những ưu tiên, bao gồm 100% bảo hiểm y tế, một số trường hợp con cái đi học được miễn học phí, rồi được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng. Quyền lợi đáng kể, nghĩa vụ hạn chế là những ưu đãi mà xã hội sẽ cố gắng dành cho các hộ nghèo.

Cho nên, mặc miệng lưỡi thế gian, có tình trạng một số người đã không ngần ngại tham gia vào cuộc vun vén, chiếm đoạt danh phận hộ nghèo. Họ xin xỏ, chạy chọt, dựa vào mối quan hệ “thân bằng cố hữu, họ hàng gần xa” với người có thẩm quyền để đạt mục đích. Có thể, từ vị thế một người giàu hoặc có điều kiện, họ đã hạ mình, núp bóng, ma mãnh khoác lên danh phận hộ nghèo chỉ để trục lợi. Những người giả nghèo và những người cố tình ban phát, phân bổ danh phận hộ nghèo sai quy định, suy cho cùng chính là một liên minh trục lợi.

Vậy phải làm thế nào chấm dứt sự tồn tại của tình trạng phản cảm này?

Thiết nghĩ, thực tế việc phân loại hộ nghèo hiện nay đang còn những bất cập. Chẳng hạn, đã và đang trao thẩm quyền đánh giá hộ nghèo quá nghiêng vào tay của các trưởng thôn, bản và chủ tịch UBND xã, phường. Nếu thẩm quyền này được trao trọn vẹn cho người dân bình xét công khai theo các tiêu chí quy định, cùng sự giám sát, “hiệp thương” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở thì mọi chuyện chắc hẳn sẽ công bằng, chính xác hơn nhiều.

Mặt khác, cần có cơ chế xác lập hộ nghèo chỉ trong ngắn hạn. Kết quả đánh giá chỉ nên là điều kiện nhất thời, để hỗ trợ, tạo đà cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, chứ không nên là một quyền lợi khiến người ta muốn níu giữ dài hạn, bền vững. Làm sao để mỗi hộ nghèo sẽ có động lực, được bày mưu, chỉ kế, được vay vốn đầu tư, được làm theo một trong những mô hình thoát nghèo thành công trong vòng hai năm, ba năm, rồi phải nhường lượt cho các hộ nghèo khác.

Thế nên, chúng ta cần phải tư duy việc đánh giá, xếp loại hộ nghèo như một hình thức tạo cơ hội, chứ không phải một quyền lợi để thích thì tìm cách “thêm lượt” cho người này, người khác. Ai nghèo cũng có quyền được tạo cơ hội. Cơ hội là công bằng với tất cả, nhưng không thể biến việc tạo cơ hội thành ân huệ để sắp đặt, ban phát, níu giữ. Cơ hội sẽ thật sự đơm hoa kết trái với những người biết thành tâm tận dụng. Và có lẽ, chỉ khi tư duy như vậy, việc xếp loại hộ nghèo mới khiến người ta thành thật đón nhận, đối diện và thành thật muốn rũ bỏ nó.