Ve sầu và nòng nọc

Hình ảnh một số cháu bé ở Đắk Lắk ăn cơm nguội với ve sầu được lan truyền trên mạng làm rất nhiều người xót xa, dù rằng sau khi đăng tải người chụp đã lập tức gỡ bỏ vì biết rằng đó là sở thích của các em chứ không phải vì hoàn cảnh thiếu đói.

Trước đó nữa, hình ảnh các cháu học sinh dân tộc nội trú ăn nòng nọc cũng gây ra những cảm xúc tương tự. Nhớ lần công tác đến một tỉnh miền trung được nghe kể chuyện: có vị khách đến địa phương được đãi món đặc sản canh ngọn cây mây. Về, vị khách cứ thương cảm mãi: thiếu thốn quá, phải ăn ngọn mây thay rau! Thực ra, ngọn mây là đặc sản chỉ dành để đãi khách quý. Vất vả, thiếu thốn là có thật, nhưng đem món đặc sản ra để thương cảm, xót xa thì oan và phản cảm quá!

Có nhà báo một lần đến suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) thấy thực tế cực khổ của những học sinh dân tộc nội trú đã nảy ra ý tưởng “bữa cơm có thịt” cho trẻ em vùng cao được cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp. Lại có người lần đầu đến một huyện vùng cao khi gặp một số cháu, bóc túi kẹo ra chia. Gặp tôi anh tâm sự: thương quá, vì cứ nghĩ các cháu chẳng mấy khi được ăn kẹo. Thực ra, tất cả những nơi trên, nói chung là tất cả những nơi ô-tô đến được, đều chưa phải là vùng xa, vùng sâu. Cho dù sự thiếu thốn, vất vả vẫn đong đầy ba bữa mỗi ngày. Có hàng trăm chi tiết để nói lên sự thiếu thốn ấy, thu hút sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Nhưng chắc chắn không phải món ve sầu, nòng nọc.

Cũng như món canh ngọn mây, nòng nọc hay ve sầu đều là đặc sản. Đưa đặc sản như đại diện cho sự nghèo đói rõ ràng là một việc làm thiếu cẩn trọng, thiếu sự chia sẻ, hiểu biết với người dân, địa phương mình đến, rất cần rút kinh nghiệm. Còn việc cố tình lan truyền để kích động cộng đồng, chỉ trích chính quyền thờ ơ, thiếu trách nhiệm với đồng bào vùng xa, vùng sâu rõ ràng là thứ tâm huyết chưa “sạch nước cản” thiếu trong sáng, cần bị lên án.