Những ngày “thần tốc”

Cho tới những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, những thông tin lạc quan về công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến cho người dân phần nào bớt nỗi hoang mang để có thể yên tâm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Dù rằng để có được thành quả ấy, chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, hàng loạt bệnh viện “dã chiến” đã được cơ quan chức năng dựng lên từ Điện Biên cho tới Tây Nguyên...

Người dân vẫn hằng ngày quan tâm từng con số lây lan liên quan tới sự khủng hoảng của cả thế giới trong cả năm vừa qua. Tại Việt Nam, mỗi sớm thức dậy, xem thông tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông, thấy vùng dịch đã bị khoanh lại chứ không còn lây lan “mất vết”, càng thêm tin tưởng vào công cuộc dập dịch ngay từ tuyến cơ sở cùng sự phối hợp đầy trách nhiệm từ phía cộng đồng.

Những ngày này, số lượng bệnh viện “dã chiến” không còn tăng lên, đồng nghĩa sự an toàn sẽ càng thêm chắc chắn. Tin rằng, khi chúng ta đã bình tĩnh trở lại để từng bước truy tìm và ngăn cản sự lây lan virus, con người - đối tượng phục vụ của cơ quan chức năng sẽ không còn bị đề phòng như những… cơ thể mang mầm bệnh reo rắc mối đe dọa nữa, mà sẽ luôn là đối tượng được bảo vệ và cứu chữa. Người ở vùng có nguy cơ dịch sẽ không còn là đối tượng bị truy vết để bảo vệ cộng đồng mà sẽ chỉ còn là những người có nguy cơ mang mầm bệnh cần được hệ thống y tế cộng đồng chăm sóc tối đa.

Có lẽ chưa bao giờ chữ “thần tốc” được dùng nhiều đến thế. Và nó cũng chứng minh được tính cần thiết trong hoàn cảnh cụ thể đến vậy. Cũng bởi vậy, hàng loạt đối tượng reo rắc thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận cũng đã bị cơ quan chức năng khẩn trương xử lý. Hàng loạt cá nhân đã bị phạt tiền khi đưa những thông tin vỉa hè, tin “vịt” lên mạng xã hội. Đương nhiên, mức độ phạt tỷ lệ thuận độ nguy hại từ phía người phát tán thông tin.

Tin tưởng rằng những điều chỉnh từ phía cơ quan chức năng của một số địa phương có dịch trong những ngày cuối năm này sẽ giúp cho bà con yên tâm về quê... ăn Tết chứ không phải về để đi cách ly chỉ vì mình là người từ vùng có nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh tật vốn là thứ không ai mong muốn và việc đối phó dịch bệnh là việc chẳng đừng. Nhưng rõ ràng người bệnh không phải là tội phạm. Họ là người cần được chăm sóc chứ không phải là đối tượng để đối phó.

Dỡ bỏ một số mệnh lệnh hành chính là điều rõ ràng cần thiết. Đáng hoan nghênh là những người có trách nhiệm đã dám dỡ bỏ một số mệnh lệnh có vẻ mang tính cực đoan, không còn phù hợp trên thực tế. 

Trong những tình trạng khẩn cấp, dám ra lệnh mới là chỉ huy và biết dỡ bỏ lệnh khi thấy nó không còn phù hợp mới là người chỉ huy mà tất cả chúng ta tôn trọng và cần đến.