Nhà báo và mạng xã hội

Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của mạng xã hội, công nghệ thông tin, truyền thông mang đến cho người dân cơ hội tham gia hoạt động thông tin, truyền thông của xã hội - hoạt động vốn là thế mạnh truyền thống của người làm báo trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một thực tiễn sôi động trong thời đại số hóa vẫn được tạm gọi là “người người làm báo, nhà nhà làm báo”. Nhờ khả năng ghi nhận của thiết bị tiên tiến như điện thoại thông minh, sức lan truyền và tương tác rộng rãi của các ứng dụng mạng xã hội, cộng với mong muốn được tham gia phản ánh đời sống, thể hiện quan điểm, hình ảnh của bản thân, nên vô vàn thông tin, hình ảnh các hoạt động, sự kiện, diễn biến trong xã hội, ở mọi nơi, mọi lúc được xuất hiện, lan truyền trên mạng.

Từ khía cạnh phản ánh xã hội đó, thật sự đặt ra những yêu cầu, thách thức với báo chí. Chưa kể, nhiều khi thông tin từ mạng xã hội lại cung cấp, gợi mở đề tài cho người làm báo. Đó cũng là sự thách thức không ít phức tạp, gay cấn khi đứng trước rừng thông tin ấy, người làm báo phải vững vàng, nhanh nhạy và cả nhạy cảm trong nắm bắt, tham khảo, khai thác. Hơn nữa, còn phải lên tiếng góp ý, định hướng trước những thông tin sai lệch, bịa đặt, gây ảnh hưởng xấu trong cộng đồng mạng, đến dư luận.

Đây thật sự là cuộc chiến đấu mà các ranh giới không hiếm khi bị mờ nhòe, chồng lấn. Và người làm báo, còn đứng trước thách thức với chính bản thân trong sự vượt lên mình về cả tri thức, kỹ năng lẫn củng cố bản lĩnh, tác phong, mục đích nhân văn của việc làm báo. Đặc biệt khi người làm báo cũng tích cực tham gia mạng xã hội như một hình thức thực tế, như một cách thể hiện mình.

Phải chăng chính trên những chặng đua này mà các cơ hội mới của người làm báo lại xuất hiện? Khi thêm những cánh cửa nắm bắt thực trạng, tâm tư, tình cảm quần chúng nhân dân. Khi thêm kênh để lan truyền tác phẩm báo chí, tiếng nói người làm báo, cơ quan báo chí một cách thường xuyên, rộng rãi và giàu tính tương tác. Khi qua đó góp phần định hướng dư luận, cổ vũ người dân cùng tham gia “làm báo” trên tinh thần nhân văn, đa dạng, sinh động, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin, góp ý, phản biện và xây dựng xã hội.

Tuân thủ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, đồng thời nắm bắt các cơ hội từ mạng xã hội, từ sự nhập cuộc của người dân sẽ góp phần để báo chí thêm mạnh mẽ, nhân văn, tiếp tục đồng hành lâu bền, hiệu quả cùng cuộc sống.