Đại biểu nhân dân

Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp… được gọi là đại biểu nhân dân. Đúng như tên gọi, dù các đại biểu xuất thân từ nhiều tầng lớp, hoàn cảnh khác nhau, đó đều là đại diện của những cử tri đã lựa chọn, đề cử.

Một người dù không xuất thân từ nông dân, công nhân hoặc doanh nhân… vẫn có thể đại diện cho những giai cấp, tầng lớp đó miễn là họ đứng trên quan điểm, lập trường của những người mà họ đại diện. Đó là về mặt lý thuyết, thực tế nhận thức, quan điểm mỗi người đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của hoàn cảnh xuất thân, kiến thức và quá trình đào luyện, trưởng thành. Vì vậy cơ cấu đại biểu nhân dân cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm Quốc hội đại diện toàn thể nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó nêu rõ: không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người sa sút phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu,… Sự thật, những người như vậy hoàn toàn không đủ phẩm chất để trở thành đại biểu nhân dân. Và vì vậy, cần thẳng thừng loại bỏ ngay trong quá trình giới thiệu ứng cử.

Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND các cấp, cử tri vui mừng nhận thấy chất lượng đại biểu ngày càng được nâng cao, đại diện tốt hơn cho quyền lợi cử tri, cho quốc gia, dân tộc. Mặc dù vậy vẫn còn có những đại biểu hành xử vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chỉ thị của Bộ Chính trị là sự nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời cho một kỳ bầu cử đại biểu chân chính của nhân dân!