Bình đẳng trong sử dụng vaccine

Đó là một định hướng đặc biệt quan trọng trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 nói chung của Đảng và Nhà nước ta, đã, đang được triển khai tích cực với vai trò nòng cốt của ngành y. 

Điều này càng đáng ghi nhận khi thực tế trong việc phân phối nguồn vaccine chống Covid-19 trên thế giới, đó đây đã có những phàn nàn về sự thiếu đồng đều, thậm chí cả nguy cơ khó tiếp cận, không ổn định về giá vaccine. Đã có cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguy cơ bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước phát triển, đang phát triển, giữa một số nước sản xuất ra vaccine và một số nước khác là nơi bùng phát dịch nặng nề nhưng lại ít cơ hội được tiếp nhận nguồn vaccine để điều trị. Thậm chí, nhìn lại năm qua, thì như một số hạn chế trong phòng, chống dịch đã được nhận ra ở không ít quốc gia, thì việc còn thiếu kiên quyết trong giám sát, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch khác, đã khiến cho rất đông người dân nói chung phải chịu ảnh hưởng. 

Trong hoàn cảnh đó, hiện nay chúng ta đang tích cực tiếp cận vaccine để đưa về sử dụng; và căn cứ theo điều kiện thực tế, dự kiến sẽ dùng cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân và từng bước cung cấp rộng rãi đến toàn dân. Bởi chúng ta nhận rõ, công tác phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh hiện nay còn lâu dài. Ngoài sự tranh thủ viện trợ, kinh phí được xác định sẽ từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác. Song song đó, chúng ta cũng đang nỗ lực nghiên cứu bào chế, thử nghiệm, tiến tới tương lai sản xuất, sử dụng vaccine của Việt Nam. Đặc biệt, các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch tiếp tục đề cao, triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, truy vết, cách ly…; tuyên truyền người dân chủ động, nghiêm túc phòng dịch, coi đó chính là nguồn “vaccine ý thức” hữu hiệu để mỗi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng. 

Những biểu hiện thực tế đó cho thấy tinh thần bình đẳng, sự chu đáo và quyết liệt trong việc coi trọng và bảo vệ sức khỏe toàn dân. Cho thấy nỗ lực phòng vệ ngay từ tuyến cơ sở để làm chậm lại, hạn chế khả năng lây lan, bùng phát của dịch bệnh ra nhiều địa bàn, nhiều tỉnh, thành phố. Cho thấy quan điểm nhân văn không bỏ ai lại phía sau trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. 

Chính tinh thần bình đẳng, quan điểm rõ ràng, minh bạch về bảo đảm tính bình đẳng trong điều trị, phòng, chống Covid-19, đã là một trong những nhân tố quyết định thành công đang được ghi nhận tại nước ta. Khi mọi người đều được chú ý chăm sóc, bảo vệ thì cơ thể chung của cả xã hội mới có thể khỏe mạnh để chiến đấu, từng bước đẩy lùi bệnh dịch và những nguy cơ, mầm mống của nó.