Cảnh giác với thủ đoạn lừa nhận tiền, quà từ nước ngoài

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của người khác qua thủ đoạn lừa nhận tiền, quà từ nước ngoài gửi về. Không ít người vì nhẹ dạ, cả tin mà chuyển cho các đối tượng những khoản tiền lớn.

Cơ quan chức năng làm việc với một đối tượng lừa đảo qua hình thức lừa nhận tiền, quà từ nước ngoài.
Cơ quan chức năng làm việc với một đối tượng lừa đảo qua hình thức lừa nhận tiền, quà từ nước ngoài.

Trong khi đó, do đặc tính của không gian mạng là xuyên quốc gia, ẩn danh… cho nên việc điều tra, xác minh của cơ quan chức năng còn gặp khó khăn.

 Giữa tháng 3-2021, một người phụ nữ tên H., sống tại huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo 2,5 tỷ đồng. Theo đó, trên mạng xã hội chị H. có quen một người đàn ông tự giới thiệu là quân nhân đang chiến đấu tại Xy-ri. Ðầu tháng 3, người này thông báo đã gửi cho chị H. một thùng quà, bên trong có 700 nghìn USD tiền lương hưu và nhờ chị H. giữ giúp. Mấy ngày sau, một người phụ nữ gọi điện đề nghị chị H. xác nhận thông tin thùng hàng nêu trên và yêu cầu nộp phí để hoàn tất thủ tục nhận hàng. Sau đó, người này lại gọi cho chị H., thông báo thùng hàng bị giữ tại sân bay. Người nhận hàng cần chuyển các khoản thuế, phí cũng như tiền "lót tay" để nhận lại hàng. Cả tin, chị H. đã chuyển gần 2,5 tỷ đồng cho đối tượng nêu trên nhưng không nhận được hàng. Cũng trong tháng 3-2021, một người phụ nữ tên M. trú tại quận 6 (TP Hồ Chí Minh) trình báo về việc bị lừa chuyển khoản ba lần với tổng số tiền gần 27 nghìn USD cho một người quen trên mạng xã hội tự nhận là bác sĩ, làm việc cho Liên hợp quốc. Người này đã nhờ bà M. nhận hàng, sau đó có một đối tượng gửi thư điện tử yêu cầu bà M. chuyển số tiền nêu trên để làm thủ tục hải quan. Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau trình báo của bà M.

Chị H.C., trú tại TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), người suýt trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo kể lại: "Ban đầu, một người đàn ông nhận mình là sĩ quan quân đội đang đóng quân ở nước ngoài kết bạn với tôi trên mạng xã hội. Biết tôi là chủ của một cơ sở làm đẹp, anh ta tỏ ra rất am hiểu, thường xuyên trao đổi với tôi về các loại mỹ phẩm. Một thời gian nói chuyện, người này nhắn tin bảo là có chuyển cho tôi một thùng quà, là các loại mỹ phẩm của những nhãn hàng nổi tiếng cùng một số nữ trang có giá trị. Sau đó hai ngày, có một người phụ nữ liên tục gọi điện cho tôi bảo cần chuyển 5.000 USD để làm thủ tục hải quan thì mới nhận được hàng. Thấy có dấu hiệu bất thường, tôi nhờ người quen làm ở hải quan kiểm tra hộ thì mới biết thông tin về thùng quà nêu trên là hoàn toàn lừa đảo. May mắn không mắc bẫy, nhưng qua sự việc tôi nhận thấy, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi và rõ ràng có sự tính toán, chuẩn bị một thời gian dài. Có như thế chúng mới biết tôi có nhu cầu mua mỹ phẩm để từ đó tìm cách lừa đảo".

Trên đây là một số trong rất nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền, quà từ nước ngoài trong thời gian qua. Theo một cán bộ công tác tại Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hầu hết các vụ việc, đối tượng lừa đảo đều sử dụng các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Zalo, Facebook… để làm quen với "con mồi". Khi nạn nhân "sập bẫy" và chuyển khoản, đối tượng lừa đảo sẽ khóa tài khoản mạng xã hội, nhanh chóng chuyển tiền chiếm đoạt qua nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Cuối cùng, tiền sẽ được rút ở một ngân hàng nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan công an. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân nhưng vẫn còn nhiều người mắc bẫy bởi công tác tuyên truyền đã được thực hiện, song chưa thật sự hiệu quả, sâu rộng. Nhận thức của người dân, nhất là người già, phụ nữ và người ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số về bảo mật thông tin, an ninh mạng còn hạn chế. Bên cạnh đó, do những đặc tính của không gian mạng như xuyên quốc gia, ẩn danh…; thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, dẫn đến khó khăn cho công tác truy tìm, điều tra của cơ quan chức năng.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội), các vụ lừa đảo với hành vi nêu trên vẫn đang diễn ra ngày một nhiều. Rất may, nhiều người thấy có dấu hiệu khả nghi cho nên gọi điện nhờ luật sư tư vấn, qua đó bảo vệ được tiền và tài sản của mình. Ðiều 25, Công ước Bưu chính thế giới cũng quy định cấm không được đưa vào bưu phẩm các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim,... Như vậy, việc gửi tiền trong bưu phẩm (nếu có) từ nước ngoài về Việt Nam cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

KHÁNH HÒA

Hành vi lừa người khác chuyển khoản để nhận tiền, quà đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ðây là tội danh được quy định tại Ðiều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ðể không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, những người tham gia mạng xã hội, nhất là phụ nữ cần đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, cũng cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý, tránh để các đối tượng tiếp tục lừa đảo những người khác. Cơ quan công an cũng cần có cơ chế phối hợp với ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phong tỏa tài sản của đối tượng khi có vụ việc xảy ra.

Luật sư Phạm Việt Hưng,

Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Hưng và Cộng sự

Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân. Ðáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động xã hội "dịch chuyển" lên không gian mạng dẫn đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng hoạt động. Năm 2020, cả nước phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Riêng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.

(Nguồn: Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm
sử dụng công nghệ cao)