Cảnh giác với các chiêu trò quảng cáo, kinh doanh trên mạng

(Tiếp theo và hết) (★)

BÀI 2: Xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo, kinh doanh trái pháp luật

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi xử phạt đối tượng đăng bài viết trên trang Facebook cá nhân rao bán thuốc kháng sinh phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: PHẠM ANH
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi xử phạt đối tượng đăng bài viết trên trang Facebook cá nhân rao bán thuốc kháng sinh phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: PHẠM ANH

Hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, đặt ra tình trạng báo động trong công tác quản lý. Ðể khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý cần sự phối hợp đồng bộ, giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Người dân cũng không nên mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo, rao bán trên mạng.

Quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

Tháng 2-2020, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo trên in-tơ-nét và môi trường mạng, cơ quan chức năng đã phát hiện trên một số đường link/website/facebook/báo điện tử quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Cốm Su bạc vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh và khuyến cáo người tiêu dùng (NTD) không mua, không sử dụng sản phẩm qua các quảng cáo này. Ðược biết, sản phẩm Cốm Su bạc do Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hồng Bàng (địa chỉ: Lô A2CN1, cụm công nghiệp Từ Liêm, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm, tuy nhiên, đại diện công ty này khẳng định nội dung quảng cáo vi phạm nêu trên không phải do công ty thực hiện. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo NTD không mua TPBVSK FINITI trên các website: jeunesse.com.vn và jeunessevn.com. Sản phẩm này được Công ty TNHH Jeunesse Việt Nam (địa chỉ: Phòng 701-3, tầng 7, tòa nhà Mê Linh Point Tower, số 2 Ngô Ðức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD - Bộ Công thương cũng khuyến cáo NTD không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Jeunesse không có nguồn gốc rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ... Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết, trên in-tơ-nét có đăng tải các nội dung giới thiệu sản phẩm TPCN có tên “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse có khả năng điều trị được nhiều loại bệnh từ viêm phế quản, suy thận, sơ gan đến ung thư. Các mạng xã hội: Facebook, Zalo, YouTube cũng lan truyền những đoạn phim hướng dẫn việc tham gia mạng lưới của Jeunesse cùng kinh doanh để nhận được những nguồn thu nhập hàng nghìn USD mỗi tháng. Có thể thấy hoạt động tuyển dụng người và trả thưởng khi tham gia mạng lưới của Jeunesse có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trong thời gian qua, trên trang web: www.vfa.gov.vn, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế liên tục đăng những thông tin khuyến cáo NTD không nên mua TPBVSK được quảng cáo trên nhiều trang fanpage facebook, website/in-tơ-nét vì vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối NTD. Các trang web này đã quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm, sử dụng hình ảnh của bác sĩ và cơ sở, đơn vị y tế để quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh.

Cơ quan chức năng chưa quyết liệt vào cuộc

Trước tình trạng vi phạm tràn lan quảng cáo thuốc và TPCN, trong đó nhiều trường hợp còn mạo danh cơ sở y tế, viện nghiên cứu, người có uy tín trong ngành y, dược để lừa dối bán sản phẩm, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe người dân, ảnh hưởng uy tín của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phóng viên đã có cuộc làm việc với cơ quan chức năng.

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế Trần Việt Nga cho biết, trong thời gian vừa qua, việc quảng cáo TPCN thường xảy ra các vi phạm: quảng cáo khi chưa có sự thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định, quảng cáo “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, sử dụng hình ảnh của bác sĩ, cơ sở, đơn vị y tế để quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối NTD. Cục ATTP đã xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh, quảng cáo vi phạm, trong đó có những trường hợp tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên, không có chuyên môn gì nhưng mạo danh là bác sĩ, dược sĩ. Năm 2019, Cục xử phạt hành chính 56 cơ sở vi phạm, trong đó có vi phạm về quảng cáo, tổng số tiền phạt là hơn 3,7 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả. Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục xử phạt bảy cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 437 triệu đồng, chuyển cơ quan điều tra hai vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả. Cùng với phạt tiền, Cục ATTP đã thu hồi: Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Các cơ sở vi phạm được công bố công khai trên website của Cục ATTP để NTD biết, tránh mua sản phẩm đó. Tuy nhiên, có nhiều công ty có sản phẩm quảng cáo vi phạm, khi Cục ATTP mời đến làm việc thì đại diện công ty đều khẳng định các sản phẩm đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội, báo điện tử được liệt kê không phải do công ty thực hiện, công ty cũng không ký hợp đồng với các báo điện tử và các trang thông tin điện tử này để quảng cáo sản phẩm, cho nên không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, tính pháp lý của các trang thông tin này.

Ðại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, tình trạng quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan chuyên môn thẩm định, quảng cáo quá mức công dụng, sử dụng hình ảnh các bác sĩ, thầy thuốc, nghệ sĩ, diễn viên để quảng cáo sản phẩm vẫn xảy ra nhiều là do sự phối hợp của các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ. Lực lượng xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN được giao cho các cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương. Tuy nhiên, mới chỉ có các cơ quan y tế xử lý là chính và chỉ xử lý được phần ngọn là doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, chưa xử lý được cơ quan phát hành quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đang quảng cáo sai quy định sẵn sàng không nhận trang web vi phạm là của mình. Các chủ thể hoạt động thương mại điện tử cũng dễ dàng xóa “dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ trong trường hợp vi phạm. Việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Cần kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay thủ tục lập các fanpage bán hàng trên mạng xã hội hay các trang web, sàn thương mại điện tử để quảng cáo khá dễ dàng. Vì vậy, nếu không kiểm soát được hoạt động của các trang bán hàng online này thì những quảng cáo sản phẩm sai sự thật vẫn ngang nhiên tồn tại, thu hút được rất nhiều người quan tâm. Những thông tin quảng cáo này đã và vẫn là “cái bẫy” nguy hiểm với NTD. Nguy hiểm hơn, việc quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể lấy đi cơ hội điều trị của nhiều người, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn quảng cáo TPCN qua mạng xã hội đều không đúng sự thật, thường sử dụng chiêu thức lấy danh nghĩa cán bộ y tế, dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của người bệnh để quảng cáo; quảng cáo TPCN nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh. Các loại TPCN này lại chưa xác định được nguồn gốc sản xuất và không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo luật gia Phạm Văn Nghĩa, Hội Luật gia TP Hà Nội, quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền tới 30 triệu đồng (khoản 8, Ðiều 8, Luật Quảng cáo năm 2012). Trường hợp tái phạm, thì mức phạt có thể tăng đến 100 triệu đồng và cải tạo không giam giữ trong ba năm. Hành vi vi phạm này cũng được nêu rõ trong Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin. Theo Ðiều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Hành vi quảng cáo sai sự thật công dụng của thuốc chữa bệnh, TPCN, lừa dối NTD có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Ðiều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm hoặc chung thân.

Dù luật đã quy định rất rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ và nhiều điểm rất nghiêm minh nhưng dường như chưa có mấy vụ việc khi bị phát hiện mà bị cơ quan chức năng, xử nghiêm đúng theo quy định của luật. Nhiều vụ việc, sai phạm đã được phát hiện, dù trước đó đã làm tổn hại đến người bị giả mạo nhưng đối tượng quảng cáo, mạo danh chỉ cần xóa tài khoản là thoát được sự truy tìm, điều tra, kết luận sai phạm. Rõ ràng, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm với loại hình quảng cáo trên các trang mạng. Việc tìm ra kẻ mạo danh trên mạng xã hội vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức, qua đó tạo kẽ hở, khoảng trống cho đối tượng hoạt động. Nhiều trường hợp kinh doanh, quảng cáo vi phạm chưa bị xử lý hoặc bị xử phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu được nên các đối tượng vẫn tái phạm, chấp nhận xử phạt để tồn tại, dẫn đến nhờn luật. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi NTD cũng chưa chủ động tham gia ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để góp phần bảo vệ quyền lợi NTD.

Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, các cơ quan quản lý cần giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc các hình thức kinh doanh, quảng cáo trái pháp luật, tiêu thụ hàng giả, các trang thông tin giả mạo. Bộ Công thương cần quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh trên mạng để bảo vệ NTD. NTD chỉ nên mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, tại các cửa hàng có uy tín, kiểm tra thông tin sản phẩm qua mã vạch bằng cách quét mã UPC của sản phẩm. Trước khi quyết định mua sản phẩm, NTD nên tìm hiểu thông tin về tình trạng lưu hành của sản phẩm trên trang web của Cục ATTP, Bộ Y tế (www.vfa.gov.vn). Nếu có nghi ngờ về sản phẩm, NTD cần phản ánh kịp thời thông tin về sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trang bán hàng trên mạng đến Cục ATTP (Bộ Y tế) hoặc liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng: 0243.232.1556, 091.181.1556 để cơ quan chức năng xác minh, ra quyết định xử phạt theo quy định hiện hành.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 11-4-2020.

* Cảnh giác với các chiêu trò quảng cáo, kinh doanh trên mạng (Bài 1)