Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

“Gắn kết hộ” ở Gia Lai

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV 74 (Binh đoàn 15) là một trong những người sáng tạo, xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo phong trào “Gắn kết hộ” trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Đây là sự kết hợp tự nguyện, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ban đầu để thực hiện gắn kết các hộ cũng khá vất vả, bởi vì các cặp hộ có ngôn ngữ, phong tục, tập quán... khác nhau. Ban chỉ huy đơn vị vừa phải chủ động quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, vừa phải vận động, động viên các gia đình công nhân. Mục tiêu chính là giúp nhau phát triển kinh tế, sau mới đến các vấn đề văn hóa - xã hội khác. Những ngày đầu gian nan ấy, cả Ban chỉ huy đơn vị lúc nào cũng tất bật, hầu hết thời gian là xuống cơ sở để lắng nghe, trực tiếp giải quyết ngay lập tức những khó khăn phát sinh. Tiêu chí hành động lúc đó là “Đầu nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, Thượng tá Hùng nhớ lại.

Vượt qua những khó khăn, từ 30 cặp hộ gắn kết ban đầu đến nay đơn vị đã hình thành 908 cặp hộ gắn kết. Các cặp hộ coi nhau như anh em ruột thịt, vì mục đích hướng tới sự ấm no và hạnh phúc. Mô hình gắn kết hộ của Công ty TNHH MTV 74 đã trở thành điển hình tiêu biểu cho toàn Binh đoàn học tập và nhân rộng. Cho đến nay, Binh đoàn 15 đã có 3.927 cặp hộ gắn kết có hiệu quả tốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua gắn kết hộ, đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị và đội sản xuất. Các cặp hộ gắn kết còn giúp nhau thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú; thực hiện tốt các quy định của đơn vị, địa phương; ý thức tổ chức kỷ luật được nâng cao, tích cực tham gia các hoạt động do đơn vị và địa phương tổ chức; tham gia xây dựng nông thôn mới; ăn ở hợp vệ sinh, ngủ màn, phòng chống dịch bệnh...

Hoạt động “Gắn kết hộ” đã làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của đồng bào các DTTS sang phương thức sản xuất mới, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Các hộ cùng nhau chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ còn giúp nhau cùng hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất do đơn vị giao; bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Không chỉ có nhiều “bàn tay vàng” trong các cuộc thi cạo mủ cao-su, công nhân người DTTS của đơn vị còn từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Gắn kết hộ cũng là cơ hội cho các hộ có điều kiện gần gũi giao lưu, tìm hiểu phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, đồng thời loại bỏ những hủ tục còn tồn tại. Các hộ đã cùng nhau thực hiện nếp sống văn hóa mới, ăn, ở hợp vệ sinh, ốm đau được đưa đến bệnh xá, bệnh viện, khám chữa bệnh; trẻ em đến tuổi được đến trường học; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, có kiến thức xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, không có bạo lực gia đình.

Thời gian tới, theo Thượng tá Hùng, hoạt động gắn kết hộ sẽ hướng đến những bước phát triển mới. Đó là, không chỉ gắn kết giữa hộ công nhân người Kinh với hộ công nhân người DTTS, mà còn gắn kết với hộ người DTTS ngoài công nhân; giữa hộ công nhân cũ với hộ công nhân mới; hộ công nhân tiến bộ với hộ chưa tiến bộ nhằm giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Đó là nền tảng, cơ sở vững chắc để xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, tăng cường quốc phòng - an ninh và nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn.