Khi cổ vật, đồ thờ "không cánh mà bay"

NDO - Nạn trộm cắp đồ thờ, cổ vật lại đang rộ lên ở nhiều tỉnh, thành phố. Ðích ngắm của bọn trộm là bát hương, đèn cầy, hạc, tượng phật, lộc bình, lư hương, chuông đồng đến các đạo sắc phong, thần phả...
Số cổ vật, đồ thờ mất trộm đã được thu giữ.
Số cổ vật, đồ thờ mất trộm đã được thu giữ.

Căn bệnh nan y

Hôm công an huyện Xuân Trường (Nam Ðịnh) tới chùa Thọ Vực trả lại chiếc lư hương, chiếc khánh và hai tòa Cửu Long bị lấy trộm, người dân xã Xuân Phong kéo đến đông nghịt, tấm tắc khen ngợi các chiến sĩ công an tài ba.

Sáng 15-5, các cụ trông coi đền, chùa Thọ Vực vừa mở cửa đã giật mình hoảng hốt khi đồ thờ, cổ vật không cánh mà bay. Người dân xì xào bàn tán và lo lắng, nhưng "điềm xấu" đã sớm bị xóa mờ. Ở nhà thờ chính tòa Bùi Chu, sáng 2-6, chiếc lư đồng nặng khoảng 70kg bị mất trộm cũng đã trở về sau hơn một năm rơi vào tay bọn đạo chích.

Từ đầu năm 2011, nhiều ngôi chùa, nhà thờ họ, đền, đình... khác trên địa bàn Xuân Trường, hàng loạt cổ vật, đồ thờ tự bị nhóm đối tượng Nguyễn Văn Huy, Ðặng Văn Sáng, Trần Ðình Năm, Nguyễn Ngọc Ðương cùng ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên) và Dương Văn Nhất ở Ðại Cương, Kim Bảng (Hà Nam) "hỏi thăm". Các phi vụ trộm cắp được tiến hành theo "đơn đặt hàng" của các "đầu nậu" buôn đồ cổ. Buổi sáng, chúng đi xe máy từ Hưng Yên sang Xuân Trường. Trong vai những vị khách phương xa, các đối tượng "điều nghiên" kỹ càng mục tiêu, tìm hiểu đường đi, lối lại, hệ thống cửa bảo vệ rồi lên sơ đồ, kế hoạch gây án. Chọn những đêm mưa, lợi dụng tối trời, một tên lẻn vào đi găng tay dùng kìm cộng lực, xà cầy, tô-vit, cưa sắt, cưa gỗ, kìm điện... bẻ khóa cửa lấy trộm, đồng bọn cảnh giới ở ngoài đón "hàng", cho "chiến lợi phẩm" vào bao tải khuân về bán cho Nguyễn Văn Lân ở Tráng Liệt, Bình Giang (Hải Dương), một "đầu nậu" đồ cổ nổi tiếng. Không chỉ rình mò gây án ở Nam Ðịnh, chúng còn "ăn hàng" ở các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình...

Nạn trộm cắp cổ vật từ lâu đã trở thành "căn bệnh" nan y chưa có thuốc chữa dứt điểm. Ðặc biệt, ở các đền chùa lớn, linh thiêng, có nhiều cổ vật rất quý giá luôn bị đặt trong "tầm ngắm" của bọn trộm. Như vụ năm lư hương bằng đồng và 20 bản sắc phong cổ của Ðền vua Ðinh Tiên Hoàng (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) bị hai tên Ðoàn Văn Hoàng và Phạm Ðức Kích, quê Hải Dương đột nhập lấy trộm. Sau ba ngày truy tìm, Công an Ninh Bình tóm gọn bọn tội phạm. Ðêm 28-4, chùa Keo (Nam Ðịnh) bị kẻ trộm nẫng mất hai lọ lộc bình cổ. Kẻ gian cũng phá khóa hai lớp cửa đình cổ Mai Phúc, Long Biên (Hà Nội), vào cấm cung lấy đi nhiều cổ vật quý giá, trong đó có đôi chân đèn bằng gốm đời nhà Mạc và hai chiếc áo hoàng bào, một lư hương và một chóe đựng nước đời Nguyễn. Ngay sau đó, một số cổ vật đã được chuyển sang nơi khác cất giữ, còn đôi lư hương không thể di dời, Ban quản lý di tích chỉ còn biết khóa chặt cửa và hy vọng bọn trộm sẽ không quay trở lại.

Cần những "liều thuốc đặc trị"

Do giá trị đặc biệt cho nên bất chấp các ban quản lý và cả đội ngũ bảo vệ, nạn trộm cắp, "chảy máu cổ vật" ngày càng trở nên nhức nhối. Không chỉ tiêu thụ trong nước, nhiều đồ thờ, cổ vật quý giá đã bị thẩm lậu ra nước ngoài. Giới thượng lưu vẫn coi sưu tầm đồ cổ là thú chơi và mốt thời thượng, còn các đầu nậu vẫn "hốt bạc" sau các phi vụ buôn bán trái phép. Theo Luật Di sản văn hóa, nhà nước không cấm buôn bán cổ vật, nhưng nguồn gốc cổ vật phải được chứng minh rõ ràng, hợp pháp. Tuy nhiên, việc truy nguyên nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ðây cũng là "bài toán" nan giải cho sự an toàn của rất nhiều cổ vật đang lưu giữ tại các di tích.

Sở dĩ các đối tượng dễ dàng "gây án" bởi nhiều đền, chùa, nơi thờ tự vắng người, ở xa khu dân cư, người trông coi thường nghỉ ở các gian nhà cách xa. Bờ tường thấp, lại thiếu điện, vào những hôm mưa to gió lớn, bọn trộm càng dễ có điều kiện "hành sự". Nhiều nơi cũng chưa thật sự chú trọng các biện pháp phòng ngừa kẻ gian vì cho rằng "không ai dám to gan trộm đồ thờ cúng", chỉ khi xảy ra chuyện mới báo công an. Việc điều tra, truy bắt mất công, tốn thời gian, có khi bắt được thủ phạm thì cổ vật đã "bay" sang tận trời Tây.

Chính vì vậy, để bảo vệ các cổ vật quý giá, các chùa, đền, nơi thờ tự cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa bằng cách: cất giữ đồ thờ quý, cổ vật cẩn thận; thắp điện sáng, lắp đặt hệ thống camêra, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi; cảnh giác cao với người lạ, kịp thời báo công an để truy bắt kẻ gian, tìm lại cổ vật. Cũng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm không chỉ của Ban quản lý mà cả chính quyền địa phương vào cuộc gìn giữ những di sản cha ông để lại.

Tuy nhiên, chuyện "sâu rễ bền gốc" vẫn phải xuất phát từ việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền sâu rộng, giáo dục người dân biết trân trọng và gìn giữ bền vững các cổ vật, đồ thờ, tuyệt đối không vi phạm những giá trị tín ngưỡng văn hóa tâm linh cổ truyền. Huấn luyện các biện pháp bảo vệ, tình huống ứng biến khi phát hiện kẻ gian để các ban quản lý di tích có thể chủ động phòng, chống trộm cắp là điều  rất cần thiết (bởi thực tế người trông coi đền, chùa thường cao tuổi, trong khi thủ đoạn bọn trộm ngày càng tinh vi). Bên cạnh đó, cũng cần tập huấn cho cán bộ ngành công an, hải quan về nghiệp vụ giám định và quản lý tài sản văn hóa, đồng thời rà soát, lập danh mục cổ vật tại các di tích để có phương án bảo vệ hợp lý (trong điều kiện chưa có thể ngăn chặn tối đa nguy cơ lấy trộm, cần cất giữ ở những điểm bảo đảm tuyệt đối an toàn, chỉ trưng bày trong các dịp lễ hội, ngày thường chỉ bày hiện vật mô phỏng).

Với những cổ vật đã bị mất, cần thống kê và có cơ sở dữ liệu chính xác để nỗ lực truy tìm thông qua công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước.

* TS Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Cổ vật chính là phần "hồn" của các di tích lịch sử. Thực tế, những cổ vật, đồ thờ bị mất trộm tìm lại không được nhiều. Ở nước ta, cần làm tốt hơn nữa việc đăng ký hiện vật, cổ vật ở các di tích với cơ quan chức năng (theo niên đại, từng loại giá trị, cấp bảo hộ...), lập trang web công bố rộng rãi, công khai để mọi người biết giá trị, từ đó có ý thức bảo vệ và giúp cơ quan chức năng có biện pháp bảo quản phù hợp, hiệu quả.