Gia tăng nạn buôn lậu qua biên giới

NDO - An Giang có đoạn biên giới dài gần 100km, với hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, hai cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, đường tắt qua biên giới. Do địa hình bằng phẳng, có nhiều sông, kênh, rạch chảy qua biên giới, An Giang không chỉ là cửa ngõ quan trọng giao thương kinh tế, thương mại Việt Nam - Campu- chia mà còn là điểm nóng của tình trạng buôn lậu qua biên giới.
Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá lậu.
Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá lậu.

MUÔN NẺO ĐƯỜNG BUÔN LẬU

Khi chúng tôi về An Giang, mực nước sông đã dâng cao. Nhộn nhịp xuồng bè thả lưới kéo cá đầu mùa, thi thoảng vụt qua những chiếc ghe chạy xé nước, qua lại biên giới. Thoáng nhìn, kẻ “ngoại đạo” như tôi cũng biết đó là phương tiện hữu hiệu của dân buôn lậu. Trên cánh đồng nước rộng mênh mông, dân buôn lậu thường sử dụng xuồng có tốc độ lớn. Nếu lực lượng biên phòng, cán bộ hải quan xuất quân, dù sử dụng tàu cao tốc cũng khó đuổi kịp chúng. Những lúc gay cấn, đồng bọn của chúng sẵn sàng dùng xuồng cản tàu của lực lượng chức năng. Nếu bị bắt, chúng liều lĩnh cho xuồng chìm, phi tang chứng cứ. Khi lực lượng chức năng bỏ đi, chúng tìm cách lặn vớt hàng lên.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng An Giang, mỗi ngày có khoảng 2.000 người và với 200 lượt phương tiện thủy, bộ, xuất nhập qua biên giới. Buôn lậu trà trộn trong đó không ít. Đối diện với đường biên giới An Giang hiện có 42 kho tập kết các loại hàng hóa như thuốc lá, đồ điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, rượu ngoại, điện thoại di động... Phía bên đất ta, dọc biên giới, nhiều doanh nghiệp đã lập 28 kho, bãi chứa hàng hóa, có khá nhiều kho chứa hàng lậu, chủ yếu là đường và thuốc lá ngoại. Nổi lên nhiều ở địa bàn Long Bình (18 kho); địa bàn Tịnh Biên (10 kho)... Cao điểm, mỗi ngày có khoảng 200 tấn đường cát và 10.000 cây thuốc lá ngoại được nhập lậu từ Cam-pu-chia qua biên giới vào An Giang. Thủ đoạn hoạt động của chúng thường có lực lượng chuyên dò đường, cảnh giới. Khi đã có dấu hiệu “an toàn”, chúng “hành quân” bất kể ngày đêm. Mùa khô, chúng thường xé lẻ hàng để đai, vác từng tốp như nông dân đi làm ruộng. Mùa mưa, khi nước đã ngập trắng đồng biên giới thì chúng dùng ghe xuồng để vận chuyển với số lượng lớn. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, chúng huy động nhiều người nhà, đồng bọn sẵn sàng cướp hàng lậu. Không ít lần chúng còn đánh trả người thi hành công vụ. Riêng với mặt hàng đường cát Thái-lan, chúng tìm cách móc ngoặc với các công ty mía đường Việt Nam, mua vỏ bao bì, chứng từ, hợp đồng để hợp thức hóa nguồn hàng nhập lậu. Trước khi vận chuyển về Việt Nam, đường lậu được chúng thay bằng vỏ bao bì của các công ty đường của Việt Nam. Nếu bị bắt, những hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa giá sẽ được trưng ra làm “bùa hộ mệnh”.

Chúng tôi đã nhiều lần lặn lội sang chợ Gò Tà Mâu, đối diện xã biên giới Vĩnh Ngươl, thị xã Châu Đốc để tìm hiểu thêm tình hình buôn lậu. “Đệ nhất lậu thị” này rộng hàng chục héc-ta và có nhiều dãy nhà kho với đủ các loại mặt hàng, sẵn sàng thẩm lậu qua biên giới An Giang. Nhiều nhất vẫn là thuốc lá ngoại và đường cát Thái-lan. Các đầu nậu ở đây phần lớn là người thị xã Châu Đốc sang thuê hoặc mua đất lập kho hàng làm đầu mối cung ứng cho các đối tượng buôn lậu. Cũng có khi họ gom hàng rồi thuê người vận chuyển qua biên giới, đưa vào nội địa tiêu thụ theo kiểu “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Do đường xá thuận lợi, lại cách xã Vĩnh Ngươl và phường Châu Phú A (thị xã Châu Đốc) chưa đầy cây số nên hoạt động vận chuyển hàng lậu ở khu vực này diễn ra nhộn nhịp quanh năm.

Trong bốn tháng gần đây Bộ đội biên phòng An Giang đã phối hợp bắt 18 vụ buôn lậu qua biên giới, trị giá hơn 800 triệu đồng. Báo cáo của Hải quan An Giang cho biết, trong ba tháng, các đơn vị hải quan trong tỉnh đã bắt giữ 25 vụ buôn lậu, trị giá hơn 19 tỷ đồng. Nhiều vụ buôn lậu hàng có giá trị cao như vàng, ôtô.

VÀNG - HÀNG NÓNG “VÙNG TRŨNG”

Không chỉ nóng về các mặt hàng thuốc lá ngoại, đường cát, An Giang còn là “vũng trũng” của việc buôn lậu gỗ, ô-tô và vàng miếng từ Cam-pu-chia vào Việt Nam. Thời gian cao điểm là trước, trong và sau Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn. Qua các vụ án gần đây cho thấy, các “trùm” buôn lậu vàng chủ yếu nằm ở thị xã Châu Đốc hoặc có quan hệ làm ăn với dân buôn bán vàng ở TP Hồ Chí Minh. Điển hình là vụ phá vỡ đường dây của “trùm” buôn lậu vàng Nguyễn Thị Tuyết Vân và Nguyễn Ngọc Luân (anh rể Vân). Khi bị công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bắt giữ, hai đối tượng này khai, đã câu kết với các đối tượng khác vận chuyển, buôn lậu qua biên giới An Giang tới 336kg. Theo kết luận điều tra của Viện Kiểm sát tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Thị Tuyết Vân, sinh 1966, kinh doanh vàng và đá quý. Ngày 19-5-1998, Vân đã từng bị Công an tỉnh An Giang khởi tố và bắt tạm giam về tội buôn lậu. Quá trình làm ăn, Vân quen biết Tăng Ly Sun là chủ tiệm vàng gần khu vực chợ Ô-lim-pích, thành phố Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Đầu tháng 10-2009, Sun và Vân móc nối nhau để buôn lậu vàng qua biên giới. Vân tìm mối tiêu thụ bên Việt Nam. Sun sẽ cho người vận chuyển vàng từ Cam-pu-chia sang Châu Đốc giao cho Vân. Vàng làm thành thỏi hình chữ nhật, mỗi thỏi nặng một ký. Luân và Vân sai ba đàn em là Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh (sinh 1950, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang) và Nguyễn Văn Lợi (sinh 1979, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang) đưa 92kg vàng lên TP Hồ Chí Minh giao cho hai đầu mối tiêu thụ là Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến, ngụ phường 14, quận 5. Trên đường đi thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang. Mặc dù số vàng bị bắt rất lớn, nhưng do đã “hợp đồng” và để giữ uy tín với khách hàng nên sau đó, Luân và Vân đã điện thoại sang Cam-puchia cho Tăng Ly Sun đặt mua 72kg vàng (Luân đặt 52kg, Vân đặt 20kg) cộng với 10kg Luân trữ sẵn, để mang về TP. Hồ Chí Minh giao cho Nguyên và Phến như đã hẹn. Tại cơ quan điều tra, Luân và Vân khai nhận từ cuối năm 2009 đến ngày bị bắt đã hàng chục lần tổ chức buôn lậu 336kg vàng (Luân 210 kg, Vân 126kg), trong đó đã tiêu thụ trót lọt 244kg (Luân 148kg, Vân 96kg) gây thất thu thuế cho Nhà nước hơn 21,48 tỷ đồng.

Đây là một vụ buôn lậu vàng đã bị bắt, nhưng trên thực tế, số vàng thẩm lậu vào Việt Nam qua đường biên giới An Giang nói riêng và các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung là bao nhiêu thì không thể có con số thống kê chính xác. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Tại sao buôn lậu lại ngang nhiên và lộng hành như vậy trong khi có rất nhiều lực lượng chống luôn lậu trên biên giới với những trang bị khá hiện đại?