Gian nan đời nữ thợ hồ

NDO - Vì miếng cơm manh áo, vì những đứa con còn đi học, những người phụ nữ ấy đã không quản ngại bất kể công việc gì để kiếm ra tiền. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ treo mình lơ lửng trên những tòa nhà cao mấy chục tầng giữa cái nắng nóng của một buổi trưa hè. Với các chị, công việc mà vốn là của nam giới này, từ lâu, đã trở thành thân thuộc...

Vào một ngày cuối tuần, tại một công trình xây dựng cao ốc ngay đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Xuân, 36 tuổi quê ở Ninh Diêm, Ninh Hòa, Khánh Hòa trong vài phút tranh thủ giải lao uống vội ly trà đá. Chị kể, chị theo chồng đi làm nghề phụ hồ này đã ba năm. Hai vợ chồng và cả cô em chồng nữa thuê nhà bên tận Ðồng Ðế. Hàng ngày đạp xe qua bên công trình, tối lại về nấu ăn chung cho đỡ tốn kém. Chị bảo, làm phụ hồ cật lực một ngày mỗi người cũng kiếm được 70 ngàn đồng. Nhiều lúc cho kịp tiến độ công trình đêm phải tăng ca đến 21 giờ, được cái tăng ca thì lương cao hơn nhưng người mệt rã rời. Có hôm về đến nhà, tắm rửa qua quýt là đi ngủ luôn, không nhấc mình nên nổi. Nói vội mấy câu với chúng tôi rồi chị Xuân lại tất tả đội nón, trùm khẩu trang kín mặt đẩy cái xe rùa đầy vôi vữa men theo đống cát, xi-măng vào phía trong công trình. Nhìn bóng chị từ đằng sau, khó ai biết đó là phụ nữ vì tóc đã vén cao. Một cảm giác buồn buồn khi nhìn bóng chị dần khuất.

Khi leo lên được tầng tám của công trường này thì chúng tôi đã mệt nhừ, mỏi hết cả chân. Tại đây, hơn chục chị em phụ nữ đang cặm cụi làm việc. Người thì trộn hồ, người thì xúc cát, người đẩy xe. Ai ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Ðợi một lúc lâu thì đến giờ nghỉ ăn trưa. Chúng tôi tranh thủ gặp chị Bùi Thị Trâm quê ở tận xã đảo Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Chị tâm sự: Do hai vợ chồng nhà nghèo lại có bốn đứa con, nghề đi biển bấp bênh không đủ ăn. Cuối cùng anh chị vào Nha Trang làm nghề phụ hồ theo mấy người cùng làng. Công việc tuy nặng nhọc nhưng cũng kiếm được đồng tiền. Hằng tháng chị gửi về cho con gần hai triệu đồng. Ðứa con trai lớn cũng mười bảy mười tám rồi, chắc học hết năm nay rồi cũng lên đây làm cùng bố mẹ. Còn chị Hạnh, người cùng quê với chị Trâm mới đi làm phụ hồ được gần một năm nay. Ban đầu vất vả quá không chịu nổi, nhưng về quê thì không biết làm gì để ăn. Chồng chị mất cách đây hai năm trong một chuyến đi biển mùa mưa bão để lại cho chị ba đứa con nhỏ. Chị bảo, làm miết nó quen đi. Bây giờ ngày nào chị cũng leo giàn giáo, trộn bê-tông, đứng chênh vênh giữa trời mà chẳng sợ gì nữa, nói rồi chị cười. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mắt rám nắng và lấm chấm vài giọt mồ hôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nữ phụ hồ đều có đời sống rất khó khăn. Khi chọn công việc này là họ đã gần như hết sự lựa chọn cho mình bởi ai cũng biết; làm nghề phụ hồ này thì tay chân bị vôi, cát, xi-măng ăn da, rồi nắng gió, rồi nguy hiểm do tai nạn nghề nghiệp rình rập. Với những người phụ nữ, họ không còn chú trọng đến chuyện chăm sóc nhăn sắc cho mình nữa, dù có nhiều chị tuổi đời chưa đến 30. Là phụ nữ, ai chẳng buồn vì điều ấy. Nhưng ngặt vì cuộc mưu sinh cho gia đình và con cái mà các chị đành chấp nhận. Thêm nữa, các công trình thì nay đây mai đó, chủ có gói thầu nào thì làm gói thầu đó, công việc gì cũng không từ nan. Chuyện phải xa nhà, xa chồng con, không có gì lạ. Như hoàn cảnh chị Tuyết, quê xã Sông Cầu huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa thì mấy chị em làm phụ hồ ở đây ai cũng biết. Năm nay chị Tuyết mới 31 tuổi. Năm ngoái, hai vợ chồng chị làm ở một công trình xây dựng tận Cam Ranh, nhưng trong một tai nạn nghề nghiệp hy hữu chồng chị đã bị chết. Khi đó chị chỉ còn biết bấu víu vào hai đưa con trai lên tám và lên sáu để sống. Mỗi lần nghĩ đến tai nạn của chồng chị lại muốn bỏ nghề. Nhưng bỏ thì làm gì nuôi con? Vậy là chị lại lầm lũi đi làm... Ðược cái, hai đứa đều ngoan và học giỏi - chị kể - hầu như tháng nào chị cũng tranh thủ về thăm con một ngày. Cái đời phụ hồ cơ cực lắm, cả ngày chủ nhật cũng phải làm. Về thăm con là bị trừ tiền lương, nhưng nhớ quá cho nên chị lại mua quà bánh và đem tiền về để bà nội ở nhà chăm sóc chúng.

Tại công trình này, có mấy chục người phụ hồ là nữ. Mỗi chị đều có một hoàn cảnh éo le và khó khăn khác nhau. Vì sức vóc không bằng nam giới nên nhiều chủ công trình không muốn thuê thợ hồ là nữ. Bất đắc dĩ lắm thì họ cũng tìm mọi cách chèn ép, trừ lương khi viện lý do không theo kịp tiến độ xây dựng. Những khổ tâm của nữ thợ hồ thì còn nhiều hơn thế, nhưng hầu như mọi người đều vui vẻ và cố gắng vượt qua vì cuộc sống gia đình.

Nhìn các chị vui vẻ bước vào ca chiều sau khi ăn vội ăn vàng hộp cơm, uống cốc nước trà đá mà chúng tôi không khỏi xót xa cho thân phận những bóng hồng trên công trường...