Cây mai dương - mối họa ở hồ Trị An

NDO - Cây mai dương (hay còn gọi là cây trinh nữ, cây mắt mèo) đã xâm nhập âm thầm vào Việt Nam, đầu tiên được phát hiện vào năm 1984 tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Ðồng Tháp. Chúng lặng lẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến đời sống các loài động, thực vật bản địa trên cả nước. Ðây là lời cảnh báo của các nhà chuyên môn đưa ra cách đây nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn.

Tại Ðồng Nai, trước sự bành trướng của cây mai dương - loại cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ, từng được tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất - đang dần bóp chết sự sống của hồ Trị An.

Có thể nói cây mai dương ở hồ Trị An như một 'kẻ sát thủ thầm lặng' ngày càng xâm lấn với tốc độ chóng mặt. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp ven hồ Trị An đã bị loài cây này nuốt chửng. Ông Nguyễn Lâm, ấp 1, xã Mã Ðà, huyện Vĩnh Cửu nói: 'Trước đây, tôi có hơn hai sào đất gần hồ Trị An để trồng bắp, nhưng giờ đây, cây mai dương mọc dày đặc phủ kín hết đất. Tôi đã tìm mọi cách để diệt, nhưng vẫn không diệt được'.

Thạc sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu nhận định: 'Cách đây ba năm, cây mai dương xâm lấn gần 1.200 ha lòng hồ Trị An, thì nay, với tốc độ phi mã đã bành trướng lên đến bảy nghìn ha, chiếm hơn 2% tổng diện tích mặt hồ. Ngoài ra, tại một số hồ nhỏ trong khu này cũng có khoảng 130 ha mặt nước bị cây mai dương tấn công'. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, theo ông Mùi, trong vài năm tới, nhiều diện tích đất đai ven hồ Trị An và Khu bảo tồn sẽ bị cây mai dương nuốt chửng. Trên thực tế, con số này còn gấp nhiều lần khi cây mai dương đang phát triển nhanh chóng ven lòng hồ Trị An, dọc sông La Ngà, Ðồng Nai và các kênh rạch, đồng ruộng. Ðiều này đang gióng hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng, nếu chúng ta vẫn cứ thờ ơ và không có biện pháp tiêu diệt tận gốc, sinh cảnh hồ Trị An sẽ dần bị cây mai dương xâm chiếm và phá vỡ chuỗi sinh thái của hồ. Một khi sinh cảnh hồ đã mất, cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài sinh vật có ích sống trong hồ và sống nhờ hồ bị hủy diệt và đó cũng là cơ hội phát triển của nhiều sinh vật có hại. Ðặc biệt, chất lượng 'giếng nước' sinh hoạt khổng lồ của hơn 14 triệu dân vùng hạ lưu sông Ðồng Nai chắc chắn cũng bị đe dọa.

Thạc sĩ Mùi cho biết: 'Trong thân cây mai dương lại chứa chất Mi-mo-sin, một loại a-xít a-min có thể gây độc với nhiều loại động, thực vật. Khi cây mai dương già cỗi chết đi, nó tác hại tới lòng hồ Trị An rất lớn như trôi nổi đầy hồ ảnh hưởng đến sản xuất điện, nước sinh hoạt bị nhiễm độc gây ảnh hưởng nặng nề cho người dân ở hạ lưu sông Ðồng Nai'.

Theo các nhà khoa học, cây mai dương không chỉ gây tác động xấu đến hồ Trị An, chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt. Cây mai dương xâm lấn cả cây bản địa, làm thay đổi thảm thực vật, hệ động vật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của cộng đồng dân cư.

Trước nguy cơ cây mai dương đã và đang đe dọa hệ sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước, cách đây ba năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, lập đề án nghiên cứu để xử lý. Trên thực tế tại Ðồng Nai, đã có nhiều phương án áp dụng để tiêu diệt loại cây ngoại lai nguy hiểm này, như nuôi dê để dê ăn đọt cây mai dương, song kết quả thu được không khả quan. Hoặc trồng cây tràm nước để diệt mai dương, nhưng tràm nước lại cũng là cây ngoại lai gây tác hại xấu đến thực vật bản địa. Và mới đây, cũng có đề tài nghiên cứu ứng dụng chuyển giao nghiên cứu khoa học dùng cây mai dương làm nguyên liệu trồng nấm ở xã Suối Nho, huyện Ðịnh Quán (Ðồng Nai), nhưng do chi phí rất lớn nên dự án không phát huy hiệu quả. Chính vì thiếu kiên quyết, thiếu sự đầu tư cho công tác diệt cây mai dương mà đến nay, loại cây này đã trở thành 'sát thủ' thầm lặng rất nguy hiểm không chỉ ở hồ Trị An mà còn đe dọa hệ sinh cảnh của nhiều khu vực khác trên cả nước.

Thạc sĩ Mùi nói: 'Cây mai dương là một loại cây rất khó tiêu diệt, vì diệt xong nó có khả năng tái sinh rất cao do hạt mai dương tồn tại trong đất rất lâu. Hiện nay, thuốc diệt cỏ có thể tiêu diệt được cây mai dương, nhưng một thời gian sau chúng lại mọc lại. Hơn nữa không thể dùng hóa chất vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, nhất là túi nước khổng lồ ở hồ Trị An nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hạ lưu sông Ðồng Nai. Biện pháp hiệu quả nhất phải kêu gọi, phát động toàn dân, các ban, ngành diệt cây mai dương bằng phương pháp thủ công là đào gốc cây mai dương lên, nếu không tiêu diệt sẽ lây lan khắp nơi'.

Cùng quan điểm với ông Mùi, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, Giám đốc Trung tâm Ða dạng sinh học và phát triển phía Nam nói: 'Bây giờ cây mai dương tràn lan ra mọi nơi, mọi người chỉ cần đồng lòng, đồng sức, trong các trường học nên phát động các chiến dịch tình nguyện xanh, ra quân để diệt nó như là diệt giặc dốt, tôi nghĩ sẽ thành công'.

Hiện tại, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa có một dự án hay đề tài khoa học nào nghiên cứu toàn diện về thực trạng động thực vật thủy sinh lạ xâm nhập thủy vực Việt Nam và các giải pháp quản lý về sinh vật lạ này. Trong khi đó, chuyện cá hoàng đế, tảo ngoại lai, cá chim trắng, rùa tai đỏ... vẫn sinh sôi nảy nở đang tấn công hồ Trị An. Cùng với cây mai dương, chúng đã trở thành những kẻ 'sát thủ thầm lặng' phá hủy môi trường sống tại hồ Trị An.