Nhìn từ bệnh viện

Một thói quen nên bỏ

Cậu con trai lên năm, buổi chiều vẫn nô, đùa bình thường, tối đến đã ngây ngấy sốt. Bà mẹ trẻ vội chạy ra đầu phố mua về một bịch thuốc, đủ loại nào kháng sinh, hạ sốt... đến chống viêm.

Đó cũng là tình trạng chung mà không ít người khi trong gia đình có người ốm, đau. Chỉ đến khi bệnh tình không đỡ, thậm chí nặng hơn, người bệnh mới được đưa đến bác sĩ để được thăm, khám. Thói quen tự làm bác sĩ, tự kê đơn thuốc là hoàn toàn sai lầm, phản khoa học, thế nhưng hằng ngày vẫn có không ít người làm theo.

Không khó tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao chiếc xe đạp, xe máy hỏng được mang ra hiệu để thợ sửa, trong khi con trẻ bị bệnh lại tự chữa? Nhưng làm thế nào để chuyển từ lời nói sang hành động lại là chuyện khác. Quá trình thăm, khám bệnh cho trẻ, bác sĩ nhi khoa thường xuyên gặp tình huống vì lo cho con mà nhiều ông bố, bà mẹ thấy con hơi ấm đầu hay húng hắng ho là hốt hoảng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử… rồi sau đó, tự ý mua thuốc này, thuốc kia về ép con uống. Đến khi bệnh tình không đỡ hoặc có dấu hiệu nặng hơn mới tá hỏa đưa con đi thăm khám bác sĩ. Trong nhiều trường hợp sốt, ho là tốt, vì đó là một phản xạ để bảo vệ cơ thể khi có một tác nhân lạ nào đó xâm nhập.

Rất nhiều tác nhân có thể gây bệnh cho con người, nhất là trẻ nhỏ, như các loại vi khuẩn, vi-rút hay các loại khói, bụi… Do vậy khi mắc bệnh, hãy bỏ thói quen tự kê đơn thuốc. Người bệnh cần được đưa đến các bác sĩ để thăm, khám, xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và tránh những hậu quả.

Mặt khác, việc tự kê đơn và sử dụng thuốc một cách bừa bãi đang được cảnh báo là để lại những “tác dụng phụ” vô cùng lớn cho người sử dụng và cả cộng đồng. Hầu hết chúng ta vẫn còn thờ ơ hoặc chưa hiểu về vấn đề này. Nhiều nước trên thế giới, mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sĩ, còn ở nước ta mua thuốc kháng sinh lại dễ như mua rau.

Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Sự dễ dãi đó dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh tràn lan và hậu quả làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, phải sử dụng nhiều loại kháng sinh, chi phí điều trị tăng cao... Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo kêu gọi cộng đồng cùng chung sức chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh, đừng để ngày mai không thuốc chữa.