Cuộc “cách mạng” trong quản lý y tế tuyến xã


 Bộ Y tế đang triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở đến khoảng 11.500 trạm y tế trong cả nước. Đây sẽ là cuộc “cách mạng” trong quản lý y tế tuyến xã, giúp cán bộ y tế dễ dàng trong thống kê, giám sát, báo cáo tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn… tránh sai sót trong ghi chép cũng như các hoạt động chuyên môn.

Cán bộ Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) triển khai cập nhật thông tin y tế của người dân vào phần mềm kết nối thông tin y tế cơ sở.
Cán bộ Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) triển khai cập nhật thông tin y tế của người dân vào phần mềm kết nối thông tin y tế cơ sở.

Có tới sáu cán bộ, nhưng nhiều năm nay những thầy thuốc ở Trạm y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, Ninh Bình vẫn chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Họ phải thường xuyên thay nhau quản lý theo dõi và ghi chép cho đầy đủ 54 quyển sổ lớn, nhỏ khác nhau của các chương trình y tế đang triển khai ở tuyến xã. Ngoài ra, hằng tháng, hằng quý và cuối năm, mỗi cán bộ cũng phải mất khá nhiều thời gian để làm báo cáo.
 
 Bác sĩ Trần Thị Hồng, Trưởng Trạm y tế xã Đức Long chia sẻ: Ngoài công tác chuyên môn là chăm sóc, khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân thì việc mỗi ngày vào sổ, cộng, trừ các số liệu đã khiến cán bộ y tế khá vất vả. Mỗi một chương trình y tế là vài quyển sổ, như chương trình sức khỏe sinh sản có đến vài sổ, từ sổ quản lý thai sản đến sổ tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, sổ theo dõi sinh đẻ tại trạm… Việc viết ra giấy vừa tốn kém, nhưng nhiều khi lại thiếu chính xác. Đã không ít lần trạm bị cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu xuất toán vì nhầm lẫn trong ghi chép thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc thực hiện báo cáo hằng quý, hằng tháng và báo cáo cuối năm cán bộ y tế phải ngồi cộng thủ công, việc này vừa mất thời gian lại cũng thiếu chính xác. Dẫu biết rằng y tế xã là “cái rốn đổ về” của các chương trình y tế, nhưng phải ghi chép thủ công tới 54 quyển sổ thì quả thật là một vấn đề nghiêm trọng trong xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
 
 Tình trạng nhiều sổ sách, giấy tờ như ở Đức Long cũng là thực tế đang diễn ra ở các trạm y tế trong cả nước, trạm ít thì có hơn 20 quyển sổ, trạm nhiều lên tới 70, thậm chí 80 cuốn sổ. Tại nhiều trạm cũng đã triển khai một số phần mềm quản lý, nhưng cũng chỉ đơn lẻ, không liên thông được với nhau. Nhưng công tác quản lý ở trạm y tế tuyến xã sẽ có thay đổi rất lớn, thuận tiện hơn rất nhiều khi Bộ Y tế phối hợp hai tập đoàn VNPT và Viettel xây dựng và triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20). Nền tảng khai thác những công nghệ mới, thế mạnh của công nghệ thông tin được đánh giá rất ưu việt, khi tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu hiện có tại các trạm y tế, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nhân viên y tế. Đối với nhân viên y tế, dễ dàng truy cập các thông tin như tiền sử bệnh, sử dụng thuốc, dị ứng thuốc, đã khám tại những cơ sở y tế nào… của người bệnh. Trên cơ sở đó, các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán đúng bệnh và chỉ định thuốc phù hợp, hạn chế thấp nhất các sai sót. Người bệnh được quản lý sức khỏe tốt hơn; khi đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế không phải chờ đợi lâu.
 
 Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình Phạm Thị Phương Hạnh cho biết việc triển khai V20 sẽ giúp ngành y tế quản lý tốt hơn, số liệu cập nhật nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, tập trung. Chỉ cần ngồi ở sở là có thể nắm được toàn bộ tình hình bệnh tật, dân số, tiêm chủng mở rộng… của tất cả các xã trong tỉnh.
 
 TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế chia sẻ,  V20 ra đời, với mục tiêu xây dựng nền tảng kết nối thông tin y tế cơ sở. Mục tiêu của V20 là quản lý dữ liệu cơ sở y tế một cách tập trung, trên cơ sở đó hỗ trợ cho bác sĩ ở  y tế cơ sở tăng cường năng lực khám, chữa bệnh, cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Mặt khác cũng nâng cao khả năng phân tích đưa ra dự báo. V20 được phân thành bốn cấp (Bộ Y tế, sở y tế, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã). Bộ Y tế dễ dàng thực hiện quản lý tất cả các trạm y tế toàn quốc, có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin tại các trạm y tế từ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn thương tích, tiêm chủng mở rộng, dân số… Quyền quản lý được phân cấp phù hợp chuyên môn của từng đơn vị sở y tế, trung tâm y tế…
 
 Hiện nay đã có khoảng 60% số trạm y tế được tập huấn sử dụng phần mềm mới này. Đáng chú ý, khi triển khai, cơ sở phải bảo đảm dù sử dụng phần mềm của đơn vị nào (VNPT hay Viettel) đều thống nhất yêu cầu: chỉ sử dụng một phần mềm tích hợp được các phần mềm còn lại; phải đáp ứng được chuẩn đầu ra của Bộ Y tế và được liên thông với nền tảng quản lý thông tin dưới cơ sở.