Bảo tồn nét đẹp áo dài truyền thống xứ Huế

Áo dài trở thành một sản phẩm du lịch mà Huế đã và đang xây dựng khá thành công. Sức hút của áo dài khiến nhiều người mê mẩn khi người thợ tài hoa xứ Huế kỳ công trong đường kim, mũi chỉ để tạo nên chiếc áo dài tinh tế, sắc sảo.

Lễ hội áo dài tại Festival Huế 2018.
Lễ hội áo dài tại Festival Huế 2018.

Bắt đầu từ năm học 2018-2019, phong trào mặc áo dài ở Thừa Thiên - Huế được nhân rộng sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động các trường học hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài, với mong muốn hình ảnh áo dài Huế sẽ có cơ hội trở lại “thuở vàng son”, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, vẻ đẹp của người phụ nữ Huế với một tâm thế mới trong quá trình hội nhập và phát triển. Cuộc vận động này làm nức lòng người dân xứ Huế với tâm thế “làm cho Huế đẹp hơn” trong mắt bạn bè và du khách từ áo dài truyền thống.

Cả nước đều có truyền thống mặc áo dài, thế nhưng không phải ngẫu nhiên mà khi bàn đến chiếc áo dài nữ, nhiều người lập tức nghĩ đến xứ Huế. Cũng là chiếc áo dài Việt Nam có nguồn gốc từ chiếc áo dài năm thân cổ truyền, trải qua thời gian đã có những sự cải biến lớn nhưng trong sự cải biến, cách tân ấy, Huế đã chọn cho mình một phong cách riêng: từ mầu sắc, cách may, cho đến kiểu mặc... Áo dài Huế không lẫn vào đâu được, ấy là, tà áo dài không dài chấm gót, cổ áo cao vừa phải, giữa đôi tà áo không xẻ quá cao. Người thợ Huế khéo léo may theo kiểu thắt đáy lưng ong nên vừa tôn đường cong mềm mại của người phụ nữ nhưng lại không quá bó sát vào người, tạo cảm giác thoải mái. Chính sự tiện ích đó nên áo dài luôn hiện diện trong đời sống hằng ngày của người dân xứ Huế.

Với người Huế, áo dài trở thành một biểu tượng đẹp không thể thiếu trong phong cách sống của họ. Nhiều thế hệ người Huế thích mặc áo dài. Từ những em học sinh, sinh viên, đến những lớp người trung niên, các bà, các cụ; từ những thanh niên trí thức cho đến những người buôn bán nhỏ. Ở Huế, người phụ nữ xem áo dài như trang phục thường ngày chứ không chỉ để sử dụng vào lễ, Tết hay những sự kiện quan trọng.

Huế tự hào là nơi đầu tiên có lễ hội áo dài trong kỳ Festival Huế 2002. Từ đó, đến nay liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được khai diễn. Người Huế biết cách và đã đi đầu trong việc tôn vinh giá trị của loại y phục mang đậm đà bản sắc Việt.

Ngày nay, áo dài Huế không chỉ là một trang phục thuần túy mà đã trở thành biểu tượng đặc trưng, một sản phẩm du lịch của đất cố đô. Khách phương xa đến Huế ước ao may chiếc áo dài cho mình và bạn bè. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, mặc áo dài do người Huế may khiến người mặc duyên dáng, thanh tao mà sang trọng. Thế nên, áo dài lấy nhanh trở thành món quà không thể thiếu của chị em phụ nữ khi đến thăm Huế. Nhiều du khách nước ngoài yêu thích dịch vụ này thường gọi đó là áo dài “short-time”. Những cửa hàng áo dài dọc các con đường như Mai Thúc Loan, Bến Nghé, Nguyễn Sinh Cung… quanh năm tấp nập du khách. Mỗi mùa Festival Huế, có tiệm nhận hàng trăm đơn hàng, trong đó phân nửa là đặt may lấy ngay. Trong vòng ba, bốn giờ đồng hồ du khách có thể sở hữu một chiếc áo dài mang đậm phong cách Huế. Các nhà may áo dài ở Huế hiện nhận may theo số đo cho khách khắp trong nam ngoài bắc, thậm chí cả ở nước ngoài.

Cách may áo dài ở Huế vì thế cũng khác so với nhiều nơi. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ cửa hàng áo dài Thảo Trang (TP Huế) tâm sự: “Nghề may áo dài chuyên kén người có tâm, khéo léo và thành thục kỹ thuật. Người thợ may áo dài Huế thường rất chú trọng đến các đường viền tà. Họ cầu kỳ rút từng sợi vải từ mảnh vải may chiếc áo đó làm chỉ và khâu tay các mép viền quanh tà áo. Vì thế, khi mặc lên người, tà áo rất bay, lại không lộ chỉ và đường may”.

Tiếp sức cho nghề truyền thống Huế, từ nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện thành công nhiều dự án hỗ trợ dạy nghề thiết kế may đo áo dài truyền thống và cách tân, với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nghề may áo dài xứ Huế. Tuy nhiên, học viên không chỉ nắm vững kỹ thuật cắt may, mà còn được trang bị những kiến thức văn hóa, lịch sử, tiếp cận các quy tắc mỹ học để luôn giữ được bản sắc, tinh hoa của tà áo dài Huế.

Khảo sát trên in-tơ-nét về “Những điều gì khiến Huế luôn nằm trong trái tim du khách”. Đó chính là những điều bình dị như góc phố yên bình, giọng nói ngọt ngào, hoàng hôn trên phá Tam Giang, nhất là dịu dàng áo trắng… đã để lại nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng du khách. Hình ảnh những tà áo dài tung bay trên phố sẽ giúp Huế trở nên hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều du khách hơn - điều mà Huế đang rất cần trong thời kỳ hội nhập và phát triển.