Mạch ngầm văn hóa Tràng An

1. Phố Đinh Liệt có một người họa sĩ, gia đình từng nhiều đời gắn bó với phố cổ Hà Nội. Ở một góc sân thượng của ngôi biệt thự cũ kỹ, người họa sĩ vẽ hai bức tranh. Một bức, là gam màu trong trẻo của buổi sớm mai, thấp thoáng bóng cầu Long Biên phía xa. Một bức, có nền vàng đỏ của ráng chiều. Những mái ngói lô xô là cảm hứng chủ đạo của hai bức tranh.

Sự hình thành “chất Tràng An” không phải ở thời gian, mà ở nhận thức và thẩm thấu giá trị. Ảnh: LÊ BÍCH
Sự hình thành “chất Tràng An” không phải ở thời gian, mà ở nhận thức và thẩm thấu giá trị. Ảnh: LÊ BÍCH

“Đấy là khung cảnh Hà Nội khi đứng từ sân thượng nhà tôi nhìn về hai phía Đông - Tây”. “Một thời”. Hai chữ một thời được bà ngắt ra, chậm rãi. Bây giờ cũng vị trí ấy, cũng nhìn hai phía, toàn những mái tôn và bồn nước. Mãi mới tìm thấy lác đác vài ba mái ngói ở phía Hàng Đào. Sau này tôi mới hiểu lý do bà vẽ hai bức tranh phố cổ. Mỗi sáng, mỗi chiều, bà vẫn được sống với Hà thành, trong nét đẹp cổ kính, dung dị hôm nào.

Người Hà Nội chọn những cách phản ứng khác nhau trước những thay đổi của thời cuộc, khi văn hóa Tràng An mai một. Nhưng, cũng như người họa sĩ nọ, cái cách người ta phản ứng cũng hết sức... Hà Nội. Thanh lịch là cách ứng xử tinh tế, không chỉ ở lời ăn, tiếng nói, mà cả sự cư xử “ý tứ” với mọi người trong cuộc sống hằng ngày. Sau năm 1954, Hà Nội thay đổi khi cư dân các tỉnh, các vùng, miền khác tràn về. Những ngôi nhà phố cổ được chia nhỏ ra dành cho những người mới tới. Va chạm xảy ra trong cuộc sống hằng ngày là điều tất yếu. Người Hà Nội cũ, vốn không mấy khi ăn to nói lớn, thấy ai đó có điều gì dù chướng tai, gai mắt, có “phê” cũng “phê” một cách rất tế nhị, đôi khi là kín đáo. Càng chẳng mấy ai “dám” đứng ra đôi co với người mới đến để giành lấy một khoảng sân, một góc bếp. Người ta có xu hướng thu mình lại, sống kín đáo. Mấy mươi năm rồi, bây giờ vẫn thế.

Những kỷ niệm xưa, những câu chuyện cũ được người ta “gói ghém” một cách trân trọng hơn. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, nhiều người không biết, có một “mạch ngầm” văn hóa Tràng An vẫn chảy. Những người sống nhiều đời ở phố cổ vẫn biết khá rành mạch người này là con cháu cụ nào, ở Hàng Bông hay Hàng Đường... Người ta vẫn trọng nhau, nếu biết thế hệ sau vẫn giữ được “nếp nhà”. Khi họ gặp nhau, ta sẽ lại thấy ánh xạ của một thời, khi người Hà Nội sống chừng mực, ăn-nói-mặc chỉn chu, tinh tế và nhã nhặn. Người Hà Nội chọn cách trầm xuống, như những mảnh trầm tích ẩn khuất đó đây.

2. Lúc còn sống, nhà nghiên cứu Giang Quân thường kể về câu chuyện mà văn hóa Hà Nội đã chinh phục ông. Đó là khi ông lần đầu đến phố Hàng Đào trước năm 1954, con phố tơ lụa nổi tiếng Hà thành. Ông đã gặp những vị khách khó tính lật đi, lật lại những tấm vải. Người ta còn bắt chủ nhà nhiều lần bắc thang lên lấy vải để xem. Vị khách ra đi mà không có giao dịch nào thực hiện. Ông chủ hàng cúi đầu chào: “Mời ông bà đi hàng khác, nếu hàng tốt và giá rẻ hơn thì ông bà mua. Bằng không, mời ông bà quay lại với chúng tôi”. Trước một ông chủ lịch thiệp như thế, nếu không tìm hàng có mức giá hợp lý hơn, người ta khó lòng mà không áy náy, nếu không quay lại.

Sự lịch thiệp, tử tế làm nên “thương hiệu” kinh doanh của người Hà Nội. Cùng với đó là dấu ấn của văn hóa gia đình, tộc họ. Người ta có thói quen giữ một, hoặc một vài cửa hàng ở những địa chỉ nhất định. Các thế hệ nối tiếp nhau kinh doanh ở đó. Chữ “Tín” hình thành với những tên tuổi gia đình cụ thể, địa chỉ cụ thể. Chính những con người ấy lại không mấy khi tự trương cái biển “gia truyền”. Không chỉ những nhà nghiên cứu tổng kết, nhiều người Hà Nội cũ sống bằng kinh doanh cũng nhận thức rất rõ giá trị của “chất Tràng An”.

Phố Tô Tịch trong khu phố cổ có một gia đình kinh doanh đồ sứ, đồ thờ cao cấp. Khi con cái đến tuổi nối nghiệp, ông bà chủ gọi mấy người con đến hỏi về định hướng kinh doanh nhằm chuẩn bị trao truyền. Một cô mạnh dạn đề xuất áp dụng lợi thế công nghệ, mạng xã hội để quảng bá mặt hàng, và có thể giao dịch qua mạng. Ông chủ tủm tỉm cười bảo: “Thế mình sẽ khác gì những gia đình khác? Việc người ta chỉ mua được một số mặt hàng cao cấp, chất lượng chỉ ở địa chỉ này mới là thế mạnh”. Đó là một cửa hàng đồ sứ nho nhỏ, nhưng khi bước vào, khách hàng sẽ cảm nhận được sự tinh tế của gia chủ trong cách bài trí, không kể đến những món đồ giá trị, mà thể hiện trong từng cái kệ kê hàng, hay cái bát thả hoa trên bàn trà... Mới hay, người Hà Nội cũ thể hiện cái “sang” bằng văn hóa, chứ không phải sự phô trương khoe của.

Cũng như phần lớn tiểu thương Hà Nội xưa nay, con đường kinh doanh “rất Hà Nội” của ông chủ cửa hàng đồ sứ nọ khiến Hà Nội không mấy khi sản sinh ra những ông chủ lớn. Người Hà Nội vốn là như thế. Họ luôn chừng mực, sống “vừa đủ”. Sự vừa đủ bao hàm cả dở, cả hay, khi nó giống như một con người không được khai thác hết tài hoa, trí tuệ. Song nó tạo một nét riêng, một sự phát triển ổn định, bảo đảm qua nhiều thế hệ. Không chỉ cửa hàng gia truyền, lối kinh doanh ấy còn gây dựng được những “khách hàng gia truyền”, từ đời nọ đến đời kia. 3. Hà Nội là đất tụ cư. Danh xưng người Hà Nội vì thế mà không dễ thống nhất. Thường thì người ta lấy cái “thước đo” thô kệch nhất là những người gia đình có ba, bốn đời sống ở Hà Nội. Những người “tinh” hơn, thì lấy chuẩn là cái “chất Tràng An”. “Chất Tràng An” thì không hẳn phụ thuộc vào thời gian, mà phần nhiều, phụ thuộc vào độ thẩm thấu. Có những gương mặt văn hóa Thăng Long, nhưng không sinh ở Hà Nội. Song, khi số lượng “người cũ” trở thành thiểu số (năm 1954, Hà Nội có 53 nghìn dân, thì nay, con số là hơn bảy triệu, chủ yếu gia tăng cơ học), sự “thẩm thấu ngược” mới thật sự là nguy cơ hiện hữu.

Người Hà Nội vẫn cố gắng giữ lại những gì “của mình”. Và trong một phạm vi hẹp, những giá trị vẫn được trao truyền. Tất nhiên, không tránh được những trường hợp bị “thẩm thấu ngược”, bị cuốn đi theo lối sống mới.

Người Hà Nội hôm qua và hôm nay đã vậy. Người Hà Nội hôm mai sẽ ra sao khi chính những cư dân mới, rồi chẳng mấy cũng thành cố cựu?

Câu trả lời vẫn nằm ở thời gian. Chính quyền cũng nỗ lực xây dựng lại những nét văn hóa Tràng An, việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng là một thí dụ. Song, điều quyết định nằm ở chính trong dân. Mạng xã hội phát triển nhiều hơn. Giới trẻ bỗng “ồ, à” khi được biết những hình ảnh, những câu chuyện về văn hóa Tràng An. Những câu chuyện về ứng xử gia đình; những kỷ niệm về hàng cây, góc phố, mái nhà Hà Nội... được viết ra cho mọi người cùng suy nghĩ, chiêm nghiệm. Cũng đã có những bạn trẻ lập diễn đàn để tìm về, bảo tồn nét văn hóa ứng xử người Tràng An.

Lại nhớ, sự hình thành “chất Tràng An” không phải ở thời gian, mà ở nhận thức và thẩm thấu giá trị. Một khi những giá trị ấy chưa mất đi, một khi còn người quan tâm, thì vẫn luôn còn cơ sở để tin tưởng...