Khơi dậy tinh thần đa phương

Được xem là xu thế không thể đảo ngược trong nền chính trị quốc tế đương đại, là cách thức duy nhất để tăng cường hợp tác giữa các châu lục, các tổ chức quốc tế và các quốc gia dân tộc, chủ nghĩa đa phương đang bị thách thức trước làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy và bảo hộ. Khơi dậy tinh thần đa phương trong hợp tác quốc tế trở nên vô cùng cấp bách trong bối cảnh toàn cầu biến chuyển nhanh và khó lường hiện nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát biểu tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu ở Ba Lan. Ảnh ROI-TƠ
Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát biểu tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu ở Ba Lan. Ảnh ROI-TƠ

Trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa đa phương (Multilateralism) được hiểu là một liên minh của nhiều quốc gia cùng theo đuổi mục tiêu chung; là nền “quản trị toàn cầu”, đối lập với chủ nghĩa song phương luôn đề cao quyền lực của nước lớn và là mầm mống của xung đột quốc tế. Đây là hình thức hợp tác sâu, rộng giữa nhiều chủ thể quan hệ quốc tế, mà chủ yếu là các quốc gia dân tộc, dựa trên các giá trị cốt lõi là sự bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi, cam kết vì mục đích chung. Chủ nghĩa đa phương, vì vậy, đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên, góp phần làm nên một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, song từ những gì diễn ra trong năm 2018 có thể thấy, chủ nghĩa đa phương hiện đối mặt những thách thức và mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến suy yếu tinh thần đa phương trong quan hệ quốc tế?

Ở cấp độ toàn cầu, thế giới đang chứng kiến những thay đổi có tính chất cấu trúc. Gần ba thập kỷ trôi qua kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt, giai đoạn quá độ dường như sắp ngã ngũ với cuộc so tài giữa các cường quốc. Sự sụp đổ của Liên Xô (trước đây) và sự kết thúc của trật tự hai cực đã để lại khoảng trống quyền lực trong nền chính trị thế giới. Mười năm đầu sau chiến tranh lạnh, Mỹ gần như là “siêu cường đơn độc”, làm mưa làm gió trên vũ đài chính trị quốc tế. Nhưng, tình trạng “đơn cực” duy trì không lâu, khi các thế lực cạnh tranh và chống đối Mỹ trỗi dậy. Để chống chủ nghĩa khủng bố, một kiểu “hợp tác bắt buộc” đã hình thành giữa Mỹ và phần lớn các nước trên phạm vi toàn cầu. Cuộc tập hợp lực lượng này gợi nhớ về sự hợp tác tạm thời giữa các nước trong phe đồng minh chống chủ nghĩa phát-xít trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi định hướng xuất khẩu nhờ xu thế toàn cầu hóa, mà tiêu biểu là Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Bra-xin, cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ với các “cường quốc mới nổi”, góp phần làm cho tình hình thế giới vô cùng phức tạp, bất ổn, khó đoán định. Kèm theo cuộc cạnh tranh quyền lực là sự gia tăng các mối đe dọa an ninh, từ các vấn đề truyền thống, như tranh chấp biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, chạy đua vũ trang, đến phi truyền thống, như bệnh dịch, buôn lậu, biến đổi khí hậu… Những thách thức này buộc các cường quốc phải điều chỉnh chiến lược, tập hợp lực lượng tùy theo lợi ích, khả năng và thời điểm.

Trên bình diện khu vực, Liên hiệp châu Âu (EU), hình mẫu của một tổ chức khu vực thành công nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, sau 60 năm tồn tại và phát triển giờ đang đối mặt những thách thức chưa từng có, đe dọa sự tồn tại của liên hiệp. Tham vọng mở rộng EU và NATO về phía đông, tới các nước thuộc “không gian hậu Xô-viết” và các nước thuộc khối Vác-sa-va trước đây, là một phần nguyên nhân khiến EU phát triển không đồng đều và gia tăng căng thẳng không cần thiết với Nga. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc bán đảo Crưm được sáp nhập vào lãnh thổ Nga, đi kèm cuộc khủng hoảng U-crai-na đã kéo dài ba năm mà vẫn chưa có lối thoát. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), làn sóng di cư từ Trung Đông và châu Phi vào châu Âu cũng khiến nội bộ EU lục đục, chia rẽ trầm trọng, dẫn đến sự kiện Brexit khi nước Anh quyết định rời “mái nhà chung”, chấm dứt cuộc “hôn nhân” hơn bốn thập niên.

Từ góc độ quốc gia, tiêu biểu là Mỹ, chỉ trong chưa đầy hai năm, kể từ khi tiếp quản “ghế nóng” tại Nhà trắng với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Đ.Trăm đã có những quyết định khiến cộng đồng quốc tế đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, làm thất vọng các đồng minh kỳ cựu và làm đau đầu các đối thủ. Điển hình là, vị Tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa” đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi một loạt hiệp định, cơ chế và tổ chức đa phương mà Mỹ và các nước từng dày công đàm phán, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định Di trú toàn cầu và Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc nhóm P5+1 ký với I-ran. Thái độ và hành động của Mỹ bị chỉ trích là biểu hiện cổ xúy rõ rệt nhất cho chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, đi ngược xu hướng hợp tác quốc tế và làm cho các tổ chức, cơ chế đa phương trở nên suy yếu.

Vậy thế giới phải làm gì trong bối cảnh hiện nay, khi khủng hoảng lòng tin gia tăng và chủ nghĩa đa phương bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu? Thế giới được kết nối nhiều hơn, nhưng các xã hội lại ngày càng chia rẽ hơn. Hậu quả trực tiếp là trong quan hệ giữa các quốc gia, hợp tác trở nên mong manh hơn, khó khăn hơn. Lòng tin vào hệ thống quản trị toàn cầu bị hoài nghi và xói mòn. Các tổ chức quốc tế và cả tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh là Liên hợp quốc dường như không hoàn thành các mục tiêu của mình. Sự đối kháng giữa xu hướng đa phương và đơn phương trở nên nghiêm trọng hơn, khi Tổng thống Mỹ đề cao thái quá lợi ích quốc gia và phản đối toàn cầu hóa, trong khi số đông các nhà lãnh đạo thế giới lại ủng hộ theo đuổi cách tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tình trạng này đặt ra câu hỏi rằng, có phải những thể chế và quan niệm của thế kỷ 20 đã trở nên lỗi thời?

Trước những thách thức trên, Liên hợp quốc và nhiều quốc gia đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp về đoàn kết, tăng cường hợp tác, vực dậy tinh thần đa phương. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét thúc giục cộng đồng quốc tế xây dựng lại niềm tin đã đổ vỡ, thông qua thúc đẩy các dự án đa phương. Các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định, cách tiếp cận đa phương cần được duy trì và là duy nhất để định hình tương lai thế giới, nếu không muốn chiến tranh lại xảy ra trên toàn cầu. ASEAN, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều ủng hộ và nhấn mạnh tầm quan trọng của xu thế đa phương, tự do hóa thương mại, cũng như cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa bảo hộ.

Liên hợp quốc khẳng định, hợp tác đa phương là “câu trả lời duy nhất”. Chủ nghĩa đa phương đứng trước những thách thức, song các giá trị toàn cầu thông qua các cơ chế đa phương vẫn được thế giới tôn vinh. Với mạng lưới đối tác phủ khắp toàn cầu, Liên hợp quốc tiếp tục được kỳ vọng và giao trọng trách đi đầu thúc đẩy kết nối, củng cố lòng tin và khơi dậy tinh thần đa phương trong hợp tác toàn cầu.