Điểm sáng hội nhập

Đóng góp quan trọng củng cố môi trường hòa bình và ổn định, phục vụ thiết thực nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế đất nước; góp phần nâng cao vị thế quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại Việt Nam năm 2018. Trong đó, đối ngoại đa phương được nâng tầm, trở thành điểm sáng trong bức tranh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Xin-ga-po.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Xin-ga-po.

Ngoại giao chủ động, sáng tạo, hiệu quả

Năm 2018, thêm một năm, bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có những bước chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường, trong đó những động thái điều chỉnh chính sách của các cường quốc tạo nhiều thách thức với môi trường chiến lược, tác động trực tiếp các lợi ích an ninh và phát triển của các quốc gia. Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, song rủi ro tài chính, xu hướng bảo hộ và “bóng ma” chiến tranh thương mại xuất hiện lại gây “tác động nghịch”. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, các xu hướng công nghệ và kinh tế mới tạo nhiều cơ hội, song cũng đặt ra những thách thức lớn.

Được xem như năm bản lề, quyết định việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm 2018 là thời điểm để ngành ngoại giao triển khai các phương hướng đối ngoại trong tình hình mới, chuẩn bị để Việt Nam đảm nhiệm những trọng trách quốc tế quan trọng, như Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Bối cảnh ấy đặt ra các mục tiêu và yêu cầu đối với công tác đối ngoại cao hơn, khó hơn. Với phương châm chủ động, sáng tạo và hiệu quả, công tác đối ngoại Việt Nam năm 2018 đã đạt những kết quả quan trọng, nổi bật trong bức tranh thành tựu chung của đất nước. Tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành ngoại giao đã có những quyết sách, bước đi phù hợp trước những biến động phức tạp của thời cuộc, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở rộng các mối quan hệ quốc tế.

Kết quả rõ nét của tinh thần chủ động trong công tác đối ngoại, trong đó ngoại giao cấp cao đóng vai trò nòng cốt, đó là thành công trong nỗ lực đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước ASEAN, nước lớn, các đối tác chiến lược, toàn diện và bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu. Tính sáng tạo được phát huy, qua việc tích cực vận động, đàm phán giải quyết những bất đồng, thúc đẩy xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược, làm sâu sắc và tạo đột phá trong quan hệ với các nước. Những thỏa thuận mới nhất trong năm 2018, về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Ô-xtrây-li-a, Đối tác toàn diện với Hung-ga-ri, góp phần hoàn thiện một mạng lưới hợp tác quốc tế của đất nước gồm 16 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Cục diện quan hệ quốc tế rộng lớn hơn đóng góp trực tiếp cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc gia. Những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế là minh chứng rõ nét tính hiệu quả của công tác đối ngoại phục vụ phát triển. Khuôn khổ thương mại song phương với gần 60 nước và 16 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) là nền tảng tích cực, góp xung lực đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tăng trưởng bền vững, thực chất hơn.

Dấu ấn đối ngoại đa phương

Trong bối cảnh thế giới chứng kiến hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa có xu hướng suy yếu, do thách thức từ xu hướng dân túy, bảo hộ thương mại, từ các động thái điều chỉnh chính sách và cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tham gia và đóng góp vào các công việc chung của khu vực và thế giới. Có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, ASEAN tiếp tục là một ưu tiên chiến lược trong năm 2018, khi Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ứng phó hiệu quả những thách thức đặt ra với Hiệp hội sau chặng đường 50 năm hình thành và phát triển. Cùng việc đăng cai các sự kiện hằng năm của khu vực, như các Hội nghị cấp cao Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 10, Việt Nam cũng tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), sự kiện được WEF đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay mà tổ chức này thực hiện ở một khu vực.

Năm 2018 đánh dấu mốc son 20 năm Việt Nam tham gia, hợp tác và đóng góp cho APEC, với dấu ấn của hai kỳ đăng cai Hội nghị cấp cao APEC (các năm 2006 và 2017) ghi đậm trong nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do và đa phương, tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Là đồng Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, cơ chế do Việt Nam khởi xướng, Việt Nam tích cực trao đổi, điều phối nhằm xây dựng văn kiện Tầm nhìn APEC sau năm 2020, qua đó khẳng định thông điệp tiếp tục đồng hành và “cùng vun đắp tương lai chung”, khi Diễn đàn bước vào thập niên hợp tác thứ tư.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục dành tín nhiệm cho Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam một lần nữa được các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mời tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (tháng 6-2018, tại Ca-na-đa), hay tham gia Hội nghị cấp cao Ðối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) lần đầu được tổ chức (tháng 10, tại Ðan Mạch). Những đóng góp tích cực vào các công việc chung là cơ sở để Việt Nam được sự ủng hộ là đại diện duy nhất của nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ.

Dấu ấn của ngoại giao đa phương nổi bật trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Việc Việt Nam là một trong bảy thành viên đầu tiên phê chuẩn, đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, đưa văn kiện thương mại đa phương thế hệ mới nhất đi vào cuộc sống. Liên hiệp châu Âu (EU) đã ký và cam kết sớm hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng về nỗ lực và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Ngay lần đầu ứng cử, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, ghi dấu mốc quan trọng trong hội nhập pháp lý đa phương, khẳng định năng lực của Việt Nam tham gia xây dựng, định hình “luật chơi chung”. Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam xuất quân làm nhiệm vụ tại Phái bộ LHQ ở Nam Xu-đăng đánh dấu bước tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, thể hiện thiện chí, trách nhiệm và năng lực của Việt Nam, góp phần mang lại sự ổn định ở những quốc gia, khu vực còn khó khăn vì bất ổn, xung đột và đói nghèo.

Thành tựu đối ngoại nổi bật trong năm 2018 phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần định hình các thể chế quốc tế và thúc đẩy hòa bình, ổn định, gắn kết và thịnh vượng chung.

Được xem như năm bản lề, quyết định việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm 2018 là thời điểm để ngành ngoại giao triển khai các phương hướng đối ngoại trong tình hình mới, chuẩn bị để Việt Nam đảm nhiệm những trọng trách quốc tế quan trọng, như Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021.