Vượt qua chặng đường khó khăn, Hà Tĩnh lấy lại đà tăng trưởng cao

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh đạt 20,8%, thu ngân sách đạt hơn 12.300 tỷ đồng, toàn tỉnh có 158 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 61% tổng số xã... Những kết quả đáng trân trọng của nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, sáng tạo đang tiếp thêm động lực để Hà Tĩnh vững bước đi lên.

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Tĩ
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Tĩ

Nỗ lực vượt khó

Thực hiện kế hoạch của nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong hai năm đầu, Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn: sự cố môi trường biển gây ra nhiều hệ lụy, an ninh trật tự diễn biến phức tạp và liên tiếp các đợt thiên tai bão lụt đã tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Hà Tĩnh đã rơi vào trạng thái tăng trưởng âm (-15,31%) với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm mạnh (-51%). Sau sự cố môi trường biển năm 2016, khó khăn lại càng chồng chất khi một số dự án trọng điểm (dự kiến hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh) chưa thể triển khai hoặc chậm tiến độ, thiên tai dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho mùa màng, các yếu tố đột phá thúc đẩy tăng trưởng không còn nhiều dư địa...

Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất này, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất bằng Chương trình hành động toàn khóa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, trong đó chú trọng chỉ đạo toàn diện, sâu sát, linh hoạt và phát huy tối đa dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Đặc biệt là tập trung ổn định đời sống nhân dân, đền bù cho các đối tượng bị thiệt hại, khôi phục, phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự sau sự cố môi trường; tăng cường công tác quản lý Dự án Formosa, yêu cầu Công ty Formosa thực hiện nghiêm túc các cam kết sau khi gây ra sự cố môi trường biển.

“Trong điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế, tỉnh Hà Tĩnh nhất quán mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững với ba trụ cột: Công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Bên cạnh việc vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương sát với thực tế địa phương, Hà Tĩnh đã mạnh dạn sáng tạo đi trước trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm phù hợp thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực, tuân thủ quy luật thị trường. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung hướng về cơ sở, đề ra các mục tiêu, giải pháp giải quyết kịp thời những yêu cầu, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định để phát triển bền vững. Từ những quyết sách đúng đắn và sự nỗ lực, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đã sớm ổn định tình hình, vượt qua gian khó, xây dựng được thành quả mới trên cơ sở kế thừa và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương” - đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, các dự án trọng điểm vào triển khai sản xuất, kinh doanh, những năm qua, Hà Tĩnh đã mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trách nhiệm công vụ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Địa phương luôn duy trì chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở tốp 4 tỉnh đạt điểm cao nhất, chỉ số PCI tăng 12 bậc trong 2 năm 2016 – 2017; Hà Tĩnh cũng nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng cấp tỉnh về phát triển Chính phủ điện tử. Đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút được 806 dự án, trong đó có 735 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 106.921 tỷ đồng và 71 dự án đầu tư nước ngoài (12 nước) với tổng số vốn đăng ký hơn 11,995 tỷ USD. Nhiều dự án lớn của các tập đoàn ngoài nước đã hoàn thành và đi vào hoạt động (dự án Nhà máy Thép - Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, cảng Việt - Lào...) phát huy hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh Trần Tú Anh, năm 2018, Hà Tĩnh liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh tăng cao có sự đóng góp rất lớn từ sản phẩm thép, điện, bia, sợi... Kết quả này thể hiện sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, giám sát khắc phục “hậu sự cố môi trường” của tỉnh đối với nhà đầu tư để đưa nhà máy đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch và công suất thiết kế.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục là bước đi bền vững, hiệu quả của Hà Tĩnh, là điểm sáng của cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 158 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 61% tổng số xã toàn tỉnh), huyện Nghi Xuân được công nhận đạt chuẩn NTM trước kế hoạch. Những nỗ lực, cách làm, thành quả nổi bật của Hà Tĩnh đã được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, ghi nhận, khích lệ. Trong cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh vào tháng 7-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Tĩnh đã xây dựng được vị thế mới trong bản đồ kinh tế Việt Nam và nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta có quyền tự hào về những nỗ lực và thành quả đạt được của chính mình”.

Vượt qua chặng đường khó khăn, Hà Tĩnh lấy lại đà tăng trưởng cao ảnh 1

Một góc làng quê nông thôn mới Tùng Ảnh, Đức Thọ.

Kiên trì thực hiện bốn khâu đột phá

Khó khăn, thách thức và cả hạn chế trong những thời điểm đã qua mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh. Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân là bài học xuyên suốt, quyết định sự thành công của mọi kế hoạch, chỉ tiêu đặt ra. Theo đồng chí Đặng Quốc Khánh, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá trọng tâm đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2015 -2020) đề ra. Sự cố môi trường biển năm 2016 lại một lần nữa khẳng định rõ hơn chủ trương nhất quán, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá vì lợi ích tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 -2020 và lập quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó tập trung thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung khai thác hiệu quả các dư địa sẵn có gắn với việc bảo vệ bền vững các nguồn lực phát triển, nhất là ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, các dự án trọng điểm làm động lực, đầu kéo cho phát triển kinh tế.

Công nghiệp giữ vững vị trí trụ cột của nền kinh tế Hà Tĩnh với mục tiêu tạo động lực chính để tăng trưởng kinh tế năm 2019, nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP từ 33,9% lên 36,3%. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu vực động lực phát triển kinh tế trọng điểm quốc gia, hạt nhân phát triển của tỉnh và khu vực với cụm ngành chủ lực luyện kim, sản xuất điện năng, công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn với công nghệ mới, giảm ô nhiễm môi trường. Tăng cường xúc tiến công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực toàn ngành công nghiệp; phát triển dịch vụ cảng biển, logistics; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch, sinh học, tái tạo; xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp nhẹ vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác quản lý quy hoạch chung xây dựng khu vực du lịch - đô thị - thương mại ven biển Nghi Xuân - Lộc Hà, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển du lịch biển Thiên Cầm, Lộc Hà, Xuân Thành. Không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường quảng bá, kết nối các tua, tuyến du lịch thu hút du khách, phát huy tiềm năng lợi thế du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, từng bước kết nối các chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất 3 vùng sinh thái, phát triển toàn diện theo 3 cấp độ sản phẩm. Rà soát đánh giá toàn diện cơ chế chính sách thời gian qua, hoàn thiện và ban hành chính sách mới để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2019-2021 và những năm tiếp theo.