Ước vọng ơ vùng thủy sản trọng điểm quốc gia

Xa khơi, hàng nghìn tàu cá của ngư dân Cà Mau bền bỉ với những chuyến biển ăm ắp thủy sản. Trên bờ, nông dân các vùng nuôi tôm tất bật với những ao tôm bội thu nhờ áp dụng công nghệ nuôi mới.

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tuyên truyền ngư dân lợi ích khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Bộ đội Biên phòng Cà Mau tuyên truyền ngư dân lợi ích khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Vị thế của vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm quốc gia, nơi trong tương lai sẽ đóng góp hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước… được bồi đắp mỗi ngày theo cách ấy.

Giám sát tàu cá bằng công nghệ

Cũng như nhiều ngư dân khác, giờ đây, ngư dân Nguyễn Văn Phỉnh (khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) tự tin hơn, yên tâm bám biển trên con tàu mới (hơn 400 CV) với nhiều trang thiết bị hiện đại. Sau gần một năm hoạt động, con tàu mới đã giúp gia đình ông Phỉnh thu lời từ 300 đến 400 triệu đồng mỗi chuyến biển. “Các ngư dân làm công cho tàu cũng vui lây khi được chia lợi nhuận từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi chuyến khai thác” - ông Phỉnh khoe.

Đến đầu tháng 12-2018, toàn tỉnh Cà Mau đã có 32 tàu cá hoàn thành việc đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngoài các trang thiết bị cần thiết, những con tàu theo diện trên còn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ông Phan Văn Phúc (khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) chia sẻ: “Dù không trực tiếp ra khơi, nhưng nhờ có thiết bị giám sát hành trình, tôi có thể liên hệ với tài công qua điện thoại, biết được hiệu quả khai thác và biết tàu cá của mình đánh bắt ở đâu”. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng xác nhận: “Hiện tại, chỉ cần truy cập nhanh qua màn hình điện thoại, tôi có thể biết được tàu cá nào ở Cà Mau sắp đánh bắt vượt lãnh hải nước mình để kịp thời cảnh báo, chỉ đạo cơ quan chuyên trách can thiệp”.

Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 1.500/4.700 tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Sau Công điện số 732 và Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác thủy hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch số 72/KH-UBND và triển khai lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thiết bị) cho tàu cá trên địa bàn. Đến cuối tháng 11 vừa qua, việc lắp đặt thiết bị cho các tàu cá thuộc nhóm nguy cơ vi phạm cao ở giai đoạn đầu đã hoàn tất. Theo lộ trình, đến cuối tháng 12 năm 2018, Cà Mau hoàn thành giai đoạn hai cho hơn 1.250 tàu cá còn lại.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Lê Thanh Triều, các biện pháp quyết liệt của Cà Mau không chỉ góp phần chung tay với ngư dân cả nước khắc phục “thẻ vàng” của EC, mà còn giúp công tác quản lý tàu cá ngày càng khoa học, hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phục vụ tích cực và hiệu quả công tác phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Đòn bẩy cho “vựa tôm”

Năm 2018, xuất khẩu thủy sản cán mốc 1,2 tỷ USD. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải hồ hởi: “Nhờ khoa học, công nghệ mà giờ đây, nuôi tôm siêu thâm canh (STC) đạt năng suất vượt trội, hộ nuôi STC thu lời vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm”.

Đưa chúng tôi tham quan thực tế mô hình nuôi tôm STC của các hộ xã viên, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Tân Hưng Huỳnh Xuân Diện cũng khẳng định: “Nhờ áp dụng đúng các giải pháp kỹ thuật đã được tập huấn và hướng dẫn, năng suất tôm nuôi của xã viên tăng gần mười lần so với cách nuôi tôm thâm canh trên ao đất không có lót bạt”. Chung niềm vui, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc HTX Hòa Hiệp (ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) tiết lộ: Sau hai năm nuôi tôm STC, 10/16 hộ xã viên của HTX từ diện trung bình khá trở thành hộ khá, hộ giàu, có lợi nhuận từ hơn một tỷ đến vài tỷ đồng/hộ/năm.

Bên cạnh nuôi tôm STC, Cà Mau còn triển khai đại trà và có hiệu quả mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm hai giai đoạn. “Ưu điểm lớn nhất của cách nuôi hai giai đoạn giúp tiết kiệm chi phí, dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, sức khỏe tôm, mật độ tôm sống… Nếu có sự cố, cũng giảm được thấp nhất thiệt hại” - Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Cà Mau Tiết Tiến Dũng đúc kết.

Tỉnh Cà Mau đang nghiên cứu xúc tiến quy trình nuôi tôm ba giai đoạn, cũng như đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng và tạo dựng thương hiệu riêng cho con tôm Cà Mau.