Kiến tạo chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Một chiếc ô-tô có khung và nhiều thiết bị được làm từ vải, một bộ đồ jean được may từ loại vải, chế phẩm của nhựa phế thải…

Đó là hai trong nhiều cách mà doanh nghiệp (DN) trên thế giới đang khai thác cơ hội từ nền kinh tế tuần hoàn (KTTH). DN Việt có thể nắm bắt xu thế này nếu nhận được sự hậu thuẫn từ cơ chế chính sách.

Trong những năm vừa qua, các nền kinh tế thế giới chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường - sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng. Các tính toán cho thấy, xây dựng nền KTTH sẽ giúp giảm bớt các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng GDP trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030.

Không chỉ có vậy, nền KTTH còn mang lại cái nhìn mới mẻ về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp DN tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên… Nhiều thương hiệu lớn quy mô toàn cầu đã tiên phong trong việc tạo nên những dịch chuyển đáng kể trong đầu tư vào KTTH tại Việt Nam. Chẳng hạn như, với cam kết 100% lượng rác thải bao bì nhựa từ các sản phẩm của Unilever sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng cho đến năm 2025, Unilever Việt Nam đã xây dựng và triển khai mô hình điểm phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế rác thải bao bì nhựa tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2018, từ đó nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Tin rằng, mỗi một bao bì sản phẩm đều có giá trị và vòng đời riêng không chỉ dừng lại ở mục đích sử dụng ban đầu, Coca-Cola Việt Nam xây dựng thí điểm các hệ thống thu thập và phân loại chai nhựa tại các thành phố lớn để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý rác thải nhựa.

Nền KTTH đã không còn dừng ở khái niệm mới mẻ mà đã được chuyển hóa vào hoạt động của DN, đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, với đa số DN Việt không dễ gì để bắt kịp chuyến tàu chuyển đổi mang tên KTTH. Để hỗ trợ cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã xây dựng Chương trình hỗ trợ DN triển khai nền KTTH với mục tiêu là đề xuất các khuyến nghị về chính sách giúp tạo điều kiện xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp; giới thiệu những thông lệ tốt của các DN trên thế giới đến cộng đồng DN trong nước và hỗ trợ triển khai những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công - tư. Tất cả cùng cộng hưởng để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do KTTH mang lại, và sớm hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của nước nhà.

Với mục tiêu ấy, ngày 23-1-2018, sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên - Zero Waste To Nature” của VBCSD-VCCI đã được khởi động. Bước đầu, sáng kiến được thí điểm hoạt động từ cuối tháng 5 trên địa bàn quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), sau đó sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự án xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Diễn đàn toàn cầu về Tăng trưởng xanh (P4G) cũng được triển khai nhằm tạo nên một nền tảng giao dịch trực tuyến các nguyên vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng. Giai đoạn khởi động của dự án được thực hiện trong một năm, từ tháng 8-2018 đến tháng 7-2019, đặt nền tảng cơ bản để thực hiện giai đoạn mở rộng trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để những sáng kiến kể trên đi vào thực tế, cũng như để KTTH trở thành lựa chọn tất yếu của DN, sẽ không thể thiếu được vai trò kiến tạo của Nhà nước. Chúng ta sẽ hóa giải được những thách thức về phát triển bền vững khi mà các nhà máy nhiệt điện, dệt may, da giày hay sản xuất giấy… có tầm nhìn và quyết tâm thay đổi, sáng tạo để bắt nhịp với KTTH.