Hàng Việt Nam cho người Việt Nam:

Khó không ?

Năm 2018 có thể coi là năm đặc biệt của sản phẩm “made in Vietnam” khi liên tục có những màn ra mắt đình đám. Đó là sự kiện Bphone 3 (của Tập đoàn công nghệ BKAV) “tái thiết lập” lại chính mình; xe máy điện Klara, xe hơi VinFast và điện thoại VinSmart (của Tập đoàn Vingroup) “chào sân”…

Khó không ?

Đều là sản phẩm của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam về vị thế, tiềm lực, khả năng công nghệ…, nhưng cách những sản phẩm này “ghi điểm” dường như không xuất phát từ “địa vị doanh nghiệp”.

Bphone: Sự “lãng mạn” được trưởng thành

Quyết định đổ tiền làm Bphone khiến “rất nhiều người” thay đổi cách gọi Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng, từ ông Quảng “nổ” thành ông Quảng “gàn”.

Ông Quảng “gàn” chọn đầu tư vào một thị trường còn nguyên những bài học thất bại của các tên tuổi đình đám một thời như Nokia, RIM, Philips, Motorola. Đây cũng là một thị trường vẫn đang diễn ra cuộc chiến thị phần chật vật của LG, Sony trước làn sóng của những thương hiệu Honor, Huawei hay Oppo từ Trung Quốc… Cái “gàn” ấy càng nổi rõ, khi trước ông Quảng, đã có không ít doanh nghiệp Việt từng tham gia thị trường này, rồi lặng lẽ rời đi. Như hồi năm 2004, Công ty Thuận Phát (Hà Nội) đã ấp ủ tham vọng đầu tư một dự án sản xuất điện thoại. Dự án đã được thực hiện, nhà xưởng được thiết kế tâm huyết, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã phải dừng lại.

Nhưng, Bphone của Quảng “gàn” được tạo nên bằng sự “lãng mạn” của “phút ban đầu”; và cũng bằng cả quyết tâm, đã “chưa có kiến thức gì về smartphone” thì phải “bắt tay vào nghiên cứu từ gốc rễ của vấn đề”.

Vậy nên, trong một thập kỷ, ngốn số tiền đầu tư hơn 500 tỷ đồng, Bphone 1, Bphone 2 là trong nỗ lực thể hiện trí tuệ Việt từ khâu R&D (nghiên cứu - phát triển); còn Bphone 3 là dấu ấn của sự hài hòa giữa khâu R&D và khâu CS (chăm sóc khách hàng).

Còn khá sớm để nói về sự thành công của Bphone, nhưng giờ đã có nhiều người tin hơn vào sự lãng mạn của ông Quảng.

Khó không ? ảnh 1

VinFast, VinSmart: Hàng Việt Nam “thực dụng”

Hai năm trước, CEO Vingroup Phạm Nhật Vượng đã từng nói với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó còn là Chủ tịch Tập đoàn Viettel rằng: “Chất lượng và tốc độ, về cơ bản, không liên quan với nhau. Điều quan trọng là cách giải quyết nút thắt để quá trình đó được diễn ra…”.

Với xe máy điện Klara, xe hơi VinFast và sắp tới là điện thoại VinSmart, ông Vượng đang chứng minh cho cuộc chạy đua “không song hành” của tốc độ và thời gian, chứng minh cho cách “tổ chức” và “kiểm soát” từng khâu của quá trình.

Thay vì đi từ đầu, Vingroup “nhảy cóc” quá trình R&D. Theo cách, VinFast mua lại bản quyền nền tảng dòng xe 5-Series cũ của BMW để áp dụng trên mẫu xe của mình. Công ty bán hộp số cho VinFast là ZF cũng xây dựng một nhà máy ở Việt Nam với số vốn 20,7 triệu USD, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

45% linh kiện xe VinFast đến từ các công ty Đức, gần 100% dây chuyền đến từ Đức. Nhà máy tuyển dụng 200 kỹ sư Việt Nam có bằng cấp tương đương bằng kỹ sư công nghiệp ô-tô Đức. VinSmart cũng lựa chọn cách thức tạo đột phá này.

Vậy là có hai cách lựa chọn để tạo nên sản phẩm “made in Vietnam”, sản xuất hàng Việt Nam một cách thực dụng thể hiện rất rõ ở Vingroup: mua sẵn, áp dụng luôn và đánh giá ngay hiệu quả. Và cách nữa, xây dựng một sản phẩm bắt đầu nghiên cứu từ con số 0 được thể hiện rất rõ trong Bphone. Nhưng vẫn còn có cách lựa chọn khác nữa!

Và những thương hiệu “tự giả”

Không lựa chọn cách tạo nên sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi người Việt Nam tại Việt Nam như cách BKAV và Vingroup đang làm, hiện có không ít thương hiệu trong nước lại đang chọn một con đường khác, ngắn hơn, thu lợi nhanh hơn...

Tại một Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trương Văn Ba cho biết, “trong quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện có doanh nghiệp Việt sang nước láng giềng đặt làm sản phẩm của mình nhưng chất lượng kém hơn, sau đó đưa về nước tiêu thụ”.

Thông tin này, hay đúng hơn cách lựa chọn này, giống như giáng một “đòn chí mạng” vào niềm tin đã vốn hao mòn của người tiêu dùng Việt. Vậy nên, ngay tại buổi ra mắt các dòng xe của VinFast, câu khẩu ngữ “Hàng Việt chinh phục người Việt” đã lập tức tạo được dấu ấn. Chúng ta đã qua giai đoạn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam như một lựa chọn xuất phát từ lòng yêu nước. Người tiêu dùng không thể chấp nhận cách làm tạo nên sản phẩm “ngoại lai” kiểu mì ăn liền kém chất lượng nói trên nữa.

Tạo dựng nên những thế hệ sản phẩm đi vào lòng người tiêu dùng trong nước và quốc tế, quả thật là quá khó. Nhưng lại không phải là không thể nếu doanh nghiệp dám đi đến cùng con đường tạo nên những sản phẩm xứng đáng với niềm tin, sự lựa chọn của người tiêu dùng!

Hãy để “made in Vietnam” là niềm tự hào người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam!