Góp phần bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhân dân

Năm 2018 được xem là một năm thành công của toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) với nhiều kết quả nổi bật khi hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt cải cách hành chính, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

Đặc biệt, việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về Cải cách chính sách BHXH sẽ tạo ra những đột phá trong lĩnh vực BHXH thời gian tới. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi (2019), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ĐÀO VIỆT ÁNH đã có những chia sẻ với Báo Nhân Dân về những vấn đề này.

Phóng viên: Năm 2018, ngành BHXH tiếp tục hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng chí có thể cho biết, kết quả đó đã có đóng góp như thế nào vào việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thời gian qua?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm và xuyên suốt, mà toàn ngành BHXH tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong suốt thời gian qua.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu “BHXH, BHYT toàn dân” đã được xác định tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Đảng, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của ngành đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến cuối năm 2018, toàn quốc có hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 30,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; khoảng 12,6 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ 25,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHYT khoảng 83,5 triệu người đạt tỷ lệ 88,5% dân số (vượt 3,3% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020).

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về Quỹ BHXH, BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt hơn 332.000 tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; hơn 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả lên tới hơn 308.000 tỷ đồng. Thông qua việc kết nối trực tuyến và chia sẻ dữ liệu hằng ngày, với khoảng 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên cả nước nên công tác giám định BHYT bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, chính xác, vừa nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ.

Ngành BHXH đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc cho hơn 92 triệu người, với hơn 24 triệu hộ gia đình. Đến nay, đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất trong cả nước, tạo nền tảng quan trọng trong việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành BHXH cũng đã thực hiện việc cấp cho mỗi người tham gia BHXH, BHYT, BHTN một mã số BHXH duy nhất, coi đây là “lõi cơ bản” để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông giữa các hệ thống phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH thẻ BHYT, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT... với hệ thống phần mềm giám định BHYT, hệ thống phần mềm giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHTN. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, giảm thời gian, giảm chi phí giao dịch, nâng cao sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH; đồng thời, đóng góp tích cực trong việc kiểm soát chặt chẽ các khoản thu, chi, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN.

Phóng viên: Nghị quyết 28 được đánh giá sẽ tạo ra những đột phá mới cho lĩnh vực BHXH thời gian tới. Theo đồng chí, đâu là những thuận lợi và thách thức của ngành BHXH trong việc thực hiện Nghị quyết 28?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Nghị quyết 28 với 11 nội dung cải cách, là định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHXH và 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhằm từng bước đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn. Đây chính là những thuận lợi hết sức cơ bản cho việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Đồng thời, Nghị quyết 28-NQ/TW cũng đã quán triệt những mục tiêu rất cụ thể như: mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BHTN phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030. Đây là những thách thức và đòi hỏi quyết tâm lớn đối với ngành BHXH, nhất là trong bối cảnh tình trạng trốn đóng BHXH bắt buộc còn chưa được giải quyết triệt để; chính sách BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ đóng còn thấp; số người rút khỏi hệ thống (hưởng trợ cấp BHXH một lần) vẫn còn cao; đặc biệt một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa thật sự nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng và tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH.

Phóng viên: Về các mục tiêu bao phủ BHXH mà Nghị quyết 28 đặt ra, với những thách thức nêu trên, đồng chí đánh giá thế nào về khả năng thực hiện?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Thách thức lớn nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu đặt ra khi thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết 28; trong đó đặc biệt quan tâm tới (i) hoàn thiện chính sách, (ii) nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, (iii) nâng cao nhận thức của người dân và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Thực tiễn hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị cho thấy chúng ta đã triển khai rất tốt tỷ lệ bao phủ BHYT nhưng lại chưa đạt được con số mong muốn đối với BHXH. Các bài học kinh nghiệm từ mở rộng đối tượng tham gia BHYT đã và đang được áp dụng đối với mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Từ đầu năm 2018, khi Nhà nước thực hiện hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện (30% với đối tượng nghèo, 25% với đối tượng cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác) thì số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhưng chưa nhiều, khi mức hỗ trợ cao hơn thì chắc chắn số đối tượng tham gia tăng. Đó là việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền địa phương và cấp cơ sở, thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị quyết giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng địa phương. Phóng viên: Năm 2018 cũng là năm BHXH Việt Nam ghi dấu ấn khi tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh các nước ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35) và tiếp nhận chức Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019. Đồng chí đánh giá như thế nào về thành công của việc tổ chức Hội nghị lần này cũng như về vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong Hiệp hội An sinh xã hội khu vực?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Hội nghị ASSA 35 là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của ngành BHXH trong năm 2018, đánh dấu bước trưởng thành của BHXH Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế; góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động hội nhập, đề xuất sáng kiến hợp tác”; hoàn thiện và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH.

Chủ đề Hội nghị do BHXH Việt Nam đề xuất “Cơ hội, thách thức của hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức thành viên ASSA và được đánh giá là phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới. Đây không chỉ là những vấn đề mà Việt Nam và các nước ASEAN đều quan tâm mà còn mang ý nghĩa gắn kết và bổ sung cho chủ đề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN vừa tổ chức thành công tại Việt Nam ngay trước đó. Các bài thuyết trình của các diễn giả trong nước và quốc tế, đều là những chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội, đã thể hiện rõ hơn những vấn đề về lao động - việc làm, phát triển nguồn nhân lực cũng như việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã tiếp nhận chức Chủ tịch ASSA.Theo đề xuất của BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA, Hội nghị đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2018 - 2019. Đây là lần đầu kể từ khi thành lập, ASSA thống nhất xây dựng và triển khai kế hoạch các hoạt động cụ thể, nhằm đưa hoạt động hợp tác của cả Hiệp hội ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các tổ chức thành viên ASSA. Đồng thời, ASSA 35 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội, theo sáng kiến đề xuất của BHXH Việt Nam, các tổ chức thành viên ASSA đã thống nhất thông qua và cùng ký văn kiện “Tuyên bố chung” thể hiện quan điểm, nhận thức chung và đồng thuận của cả Hiệp hội về mục tiêu và định hướng phát triển an sinh xã hội khu vực và trong thời gian tới. Đây là điểm nhấn, là một trong những thành công quan trọng của ASSA 35, góp phần khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của ASSA nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong hệ thống an sinh xã hội thế giới.

Phóng viên: Năm 2019, đồng chí cho biết, BHXH Việt Nam sẽ có những định hướng quan trọng nào để ngành phát triển vững mạnh hơn, quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT ngày càng được bảo đảm?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Năm 2019 được BHXH Việt Nam xác định là năm quan trọng để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết số 28, trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT với nhiều khó khăn và thách thức mới. Ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, nhằm phát triển vững chắc hệ thống BHXH, BHYT, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân. Theo đó, ngành xác định cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương với phát triển BHXH, BHYT. Đặc biệt, tích cực tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH, nhất là triển khai các nhóm giải pháp thực hiện được quán triệt tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH phù hợp với thực tế tại địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; giao chỉ tiêu và lộ trình tăng số người tham gia BHXH với từng địa bàn quận, huyện, thị xã. Đồng thời, là yêu cầu ngày càng cao hơn với công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong bối cảnh thực tiễn ngày một phát sinh nhiều áp lực khi thực hiện triệt để hơn lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông tiếp tục phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần. Với ý nghĩa đó, truyền thông phải đi trước một bước, tác động bền bỉ dài lâu, tập trung làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân, người lao động, chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện theo quy định của pháp luật vì chính cuộc sống, sức khỏe của bản thân, gia đình họ, để các đối tượng hiểu, biết, tự giác chấp hành trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ mang tính thường xuyên, thu đúng, thu đủ, thanh, kiểm tra, giảm nợ đọng, từng cán bộ cơ quan BHXH cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Phải nhận thức rõ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định; quá trình giải quyết thủ tục hành chính cần có sự linh hoạt, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, từng bước, từng ngày tạo và nâng cao niềm tin về cơ quan BHXH cũng như chính sách, pháp luật BHXH của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!