Giữ vững danh hiệu di sản Tràng An

Những dãy tháp karst trùng ngôi, liền ngọn hùng vĩ, đẹp tựa dải phi vân, bên trong có nhiều hang động kỳ lạ, sông ngòi uốn khúc, nước bạc lấp lánh, chìm ẩn dấu tích người Việt cổ; dấu tích biển xâm lấn, sự tiến hóa địa mạo, địa chất; cùng nhiều đền, chùa cổ kính, linh thiêng, trầm mặc. Đó là những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên Tràng An.

Người dân miền di sản Tràng An (Ninh Bình) tưng bừng tổ chức lễ hội đầu xuân.
Người dân miền di sản Tràng An (Ninh Bình) tưng bừng tổ chức lễ hội đầu xuân.

Nước non vang vọng ngàn năm

Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, rộng 6.226 ha. Sự đa dạng về kiến tạo địa chất, nét độc đáo văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tạo cho miền Di sản Tràng An hình thành nhiều tua du lịch sông nước, du lịch hang động, tham quan đền chùa trầm mặc nổi tiếng linh thiêng.

Chị Trần Thị Sứu, lái đò tại bến thuyền Tràng An cho biết: Riêng Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên Tràng An có ba tuyến du lịch. Tuyến thứ nhất du khách được tham quan chín hang động, ba điểm tâm linh là: Đền Trần, Đền Trình, Phủ Khống. Tuyến hai có bốn hang ngầm, có đền thờ Thánh Cao Sơn, Hành cung Vũ Lâm và bãi quay phim Kong - Đảo đầu lâu. Tuyến ba gồm hang Đột có nhiều nhũ đá, dài hơn 1.000 m và đền Suối Tiên... Ngày Tết khách du lịch đến Tràng An rất đông. Từ ngày 25 đến 26-12 âm lịch, nhiều người chở đò ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã rục rịch gói bánh chưng, ăn lễ tất niên bên nội, bên ngoại. Đến mồng một, mồng hai Tết là hối hả chèo đò, ăn Tết trên sông nước bao la, hòa quyện cảnh sắc hữu tình để phục vụ du khách tham quan đất Tràng An cổ, dấu tích người Việt cổ; tham dự Lễ hội chùa Bái Đính, khai mạc vào ngày mồng sáu Tết.

Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) được hàng triệu lượt khách du lịch biết đến với nhiều kỷ lục xác lập tại Việt Nam và châu Á. Đây là lễ hội mở đầu cho nhiều lễ hội khác ở miền Di sản Tràng An như Lễ hội đền Vua Đinh, Vua Lê (Lễ hội Trường Yên) diễn ra vào những ngày đầu tháng ba Âm lịch). Theo tập tục của người địa phương, phần lễ chùa Bái Đính gồm: Thỉnh chuông, dâng hương niệm Phật cầu gia hộ; cử hành đánh trống, đánh chiêng khai hội; lễ tế rước kiệu thần Cao Sơn lên chùa Bái Đính cổ... Tham dự lễ có nhiều tăng, ni, phật tử, nhiều khách thập phương du xuân. Tất cả cùng cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu trời mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, gia đình no ấm, hạnh phúc trong năm mới. Phần hội chùa Bái Đính thì có nhiều trò chơi dân gian, đồng hành với các chương trình nghệ thuật như: hát chèo, hát xẩm, ca trù, múa rối nước. Có năm, hội chùa Bái Đính còn tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Vua Đinh Tiên Hoàng, lễ tế cờ của Vua Quang Trung trước khi kéo quân về Thăng Long.

Bảo tồn cho thế hệ mai sau

Chị Đê-rai Đu-rét-đi (Dheeraj Dureddy) là du khách đến từ Ấn Độ, anh Ni-ki-ta Gô-gia (Nikita Gogia) quốc tịch Ô-xtrây-li-a, anh Lê Văn Phương ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) và nhiều du khách, cùng chúng tôi tham quan miền Di sản Tràng An đều có chung một cảm nhận: Thiên nhiên ở đây tuyệt đẹp, hang động hấp dẫn, người Tràng An thân thiện, gần gũi, dễ mến, xứng danh là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Tuy nhiên, với đặc thù có hàng nghìn người dân đang sinh sống trong di sản Tràng An, nhất là có hơn 14.000 người sống tại vùng lõi, đã đặt ra những khó khăn, thách thức cho ngành du lịch về công tác quản lý bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm của cộng đồng, của một số cán bộ xã, huyện đối với vấn đề bảo vệ di sản, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong các hoạt động lễ hội, dịch vụ du lịch còn hạn chế. Điều đó, dẫn đến tình trạng một số vụ xâm hại Di sản Tràng An chậm được phát hiện; hoặc xử lý chưa kịp thời, thiếu dứt điểm. Đó là “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhà nước về di sản.

Do vậy, tỉnh Ninh Bình cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khai thác hiệu quả giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An. Các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn di sản. Từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho việc bảo tồn đi đôi với phát triển du lịch bền vững.

Để giữ vững danh hiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn di sản; đồng thời đã ban hành kế hoạch quản lý quần thể Di sản Tràng An giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.