Động lực cho sự thay đổi thực chất

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang ghi nhận những bước chuyển tích cực chưa từng có trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ nút thắt trong tư duy quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Nhưng công việc phía trước còn rất nhiều.

Trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Delco (Bắc Ninh).
Trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Delco (Bắc Ninh).

Bước tiến tư duy quản lý nhà nước

Tháng 11-2018, Chính phủ đã quyết định bãi bỏ Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy. Tất nhiên, để chính thức xóa tên ngành nghề này ra khỏi danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần thêm một bước thủ tục pháp lý là sửa đổi Luật Đầu tư, nhưng điều quan trọng nhất là việc cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận sự vô lý của các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà họ đưa ra trước đó đã đạt được.

Cũng phải nói rằng, suốt quãng thời gian hai năm trước, khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia rà soát và phát hiện rằng, những doanh nghiệp (DN) kinh doanh mũ bảo hiểm đã phải bỏ tiền để đầu tư đủ loại thiết bị để có được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm - những thiết bị mà họ hoàn toàn có thể thuê, mượn hoặc có thể chỉ tham gia một phần trong chuỗi sản xuất. Không chỉ dừng lại ở đó, cơ quan quản lý nhà nước còn tính chi tiết số lượng máy móc mà DN phải đầu tư... Các điều kiện này hoàn toàn không phục vụ mục tiêu quản lý mà Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra là chống hàng giả hàng nhái, nhưng cũng phải mất hai năm để Bộ thống nhất điều này với các doanh nghiệp.

Không chỉ các DN trong ngành trên, các DN trong rất nhiều ngành kinh doanh, kể cả kinh doanh gas, giáo dục, xuất khẩu gạo... đang có được những cơ hội kinh doanh mới khi hơn 3.000 ĐKKD trong tổng số hơn 6.000 ĐKKD hiện hữu đã được sửa đổi, bãi bỏ. Điều đó đồng nghĩa, hàng nghìn tỷ đồng chi phí tuân thủ, hàng nghìn giờ làm việc của cả cơ quan quản lý nhà nước và DN đã được tiết kiệm.

Điều mà Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung muốn chia sẻ nhất, ấy là từ cuối tháng 11-2018, hầu hết các bộ, ngành đều đã hoàn thành việc xây dựng phương án cắt giảm, sửa đổi ít nhất 50% ĐKKD hiện hữu và trình các văn bản cần thiết, đáp ứng được yêu cầu khá gấp gáp của Thủ tướng Chính phủ.

Còn Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn thậm chí còn hào hứng hơn với những thay đổi được cho là rất tích cực khi các bộ, ngành chủ động đề xuất cắt giảm ĐKKD. Ông Tuấn gọi đây là những thay đổi mang tính tư duy. “Tôi từng chứng kiến các bộ, ngành khi góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi các quy định liên quan đến ĐKKD chỉ quan tâm đến hai việc. Một là, có lấy đi chức năng, công việc gì bộ đang làm không. Hai là, có giao thêm trách nhiệm gì không. Hầu như tôi không nghe thấy câu hỏi doanh nghiệp sẽ được gì, mất gì với các quy định đó”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Còn những khoảng cách

Sự thay đổi trong cả thái độ, cách làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước với yêu cầu cắt giảm ĐKKD, thủ tục hành chính hay quản lý chuyên ngành đều đã thay đổi, nhưng rất tiếc là sự chủ động chưa đồng đều. Nhận định này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Thủ tướng Chính phủ trong báo cáo về việc này.

Hệ quả có thể thấy ngay trong Báo cáo điều tra của VCCI về kết quả thực thi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dưới góc nhìn của DN (năm 2018). Có sáu chỉ tiêu môi trường kinh doanh có tỷ lệ DN đánh giá có sự cải thiện tốt hoặc rất tốt (đạt hơn 50%), gồm khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội. Các chỉ số còn lại cải thiện chậm và thấp hơn kỳ vọng của DN (dưới 50%). Kết quả này hoàn toàn phù hợp với những đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018.

Lúc này, thực tế đánh giá sơ bộ chất lượng ĐKKD của CIEM của bốn bộ là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cho những cảnh báo mới. Theo đó, số ĐKKD cắt bỏ được ghi nhận là thật sự tạo thuận lợi cho DN thuộc về hai bộ là Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấp cả về tỷ lệ ĐKKD cắt bỏ, sửa đổi, lẫn các thay đổi thực chất.

Điều đáng quan ngại, cách làm này kéo theo những phức tạp trong tuân thủ các quy định mới. Ngay CIEM, cơ quan có chuyên môn về việc này, đã phải mất cả tuần lễ để kiểm đếm các ĐKKD đã thay đổi, có sửa chữa, bổ sung, thay thế hoặc quy định mới, thì trách gì các DN trong vai trò thực thi còn rối đến đâu? Cách làm một nghị định sửa nhiều nghị định cho phép thay đổi nhanh, nhưng thực thi sẽ khó khăn.

Lúc này, DN có thật sự cắt giảm được chi phí theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách hay không lại phải chờ lãnh đạo địa phương có thật sự sâu sát với công việc này hay không, công chức thực thi có thấy áp lực phải thay đổi hay không...

Chất lượng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh các ngành phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu ngành đó. Bộ trưởng nào tích cực, chủ động, bộ đó có kết quả tích cực và ngược lại. Tuy nhiên, lúc này, đòi hỏi thay đổi cần rộng hơn, tới cả lãnh đạo các địa phương.