Công nghệ đang thay đổi ngoạn mục công nghiệp sáng tạo

Sự thành công của các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong năm vừa qua cho thấy, triển vọng của ngành công nghiệp sáng tạo đã và đang vượt khá xa so với kỳ vọng. Trong khi, chiếc áo chính sách đã có phần chật hẹp...

Một phiên thảo luận tại VSM Camp năm 2018.
Một phiên thảo luận tại VSM Camp năm 2018.

Những ngày cuối năm 2018 xuất hiện một ứng dụng gọi xe thuần Việt mới, gọi là BE, bắt đầu tham gia cuộc chạy đua cùng với Grab, Go-Viet và FastGo, khai thác thị trường được Google và Temasek định giá hai tỷ USD vào năm 2025. Từ sau khi Uber bị Grab thôn tính, thị trường gọi xe mở toang cơ hội cho các công ty khởi nghiệp (startup) Việt Nam “tiến công” vào thị trường được cho là đang tăng trưởng khoảng 45% mỗi năm. Sự xuất hiện của BE được đặc biệt chú ý bởi giám đốc điều hành của nó chính là ông Trần Thanh Hải, một trong những nhà sáng lập VNG, một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, hiện đang được định giá tới 47,2 triệu USD.

Trong khi đó, Grab vừa hoàn tất thương vụ mua Moca, một ứng dụng thanh toán di động Việt, để hoàn thiện một bước hệ sinh thái của họ tại Việt Nam. Giá trị thương vụ này không được tiết lộ, nhưng Moca đã trở thành sản phẩm chiến lược, công cụ thanh toán chính trong ứng dụng Grab. Đây cũng là một minh chứng cho sự thành công của các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong năm vừa qua, góp phần vào sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp ngày 21-11-2018 ở Đà Nẵng.

Những thí dụ trên đã cho thấy phần nào bức tranh của công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa, mà bản chất của nó phải được gọi đúng danh xưng là “nội dung số”, một trong những ngành công nghiệp chiến lược được các quốc gia phát triển xếp vào công nghiệp sáng tạo (creative industries), phát triển dựa trên trí tuệ sáng tạo cá nhân, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng rất cao, dựa vào sở hữu trí tuệ và quyền tác giả.

Tại Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) năm 2018, sự kiện chuyên môn lớn nhất của ngành quảng cáo, marketing và truyền thông Việt Nam, công nghệ marketing (martech) và công nghệ quảng cáo (adtech) cho thấy đang trở thành một ngành sáng tạo giá trị, vượt quá khuôn khổ của ngành phần mềm, để trở thành các giải pháp công nghệ quảng cáo và truyền thông marketing, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và thực tại ảo. Các công nghệ này đang đóng góp cho khoản doanh thu cỡ 900 triệu USD/năm từ tiếp thị số (digital marketing), chiếm 45% tổng doanh thu quảng cáo, theo ước tính của Tập đoàn Novaon.

Điều này cho thấy một thực tế là sự phát triển của nhiều ngành nghề đã vượt quá “cái áo” chật chội của khái niệm “công nghiệp văn hóa”. Nhiều dự báo đã trở nên lỗi thời, và cách thức sắp xếp, quy hoạch của cơ quan quản lý cần được điều chỉnh cho phù hợp. Các ngành kinh tế hiện nay đang đan xen, lấn sân sang nhau, nên việc quản lý theo từng lĩnh vực khó lòng theo kịp sự đa dạng hóa và phát triển thần tốc của các ngành kinh tế sáng tạo. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những lúng túng, bất cập trong việc quản lý, cấp phép, và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ngay trong lĩnh vực thuần túy văn hóa, sự giao thoa giữa công nghệ và biểu diễn nghệ thuật đang có những biến chuyển thú vị. Mới đây, FPT Play bắt tay với Ban nhạc Anh Em, tung ra thị trường một xê-ri chương trình mới, gọi là Music Home, ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác với tính năng tùy chọn góc nhìn. Theo đó, khán giả không cần đến nhà hát vẫn có thể có những trải nghiệm như thật, thưởng thức âm nhạc live sống động mà không cần rời khỏi màn hình điện thoại hay máy tính bảng. Rõ ràng chỉ cách đây vài năm, công nghiệp nghệ thuật biểu diễn và truyền hình đã bước sang một trang mới.

Truyền hình truyền thống cũng đang có nguy cơ suy giảm khi công nghệ số lấn sân và ngày càng có nhiều ưu việt hơn, nhờ khả năng tương tác trực tiếp với người xem. Nhiều giải pháp truyền hình trên nền tảng số, hay nói đúng hơn là video tương tác đang thay thế dần truyền hình, đặc biệt là với giới trẻ. Vậy nên, nhiều chương trình truyền hình, sản phẩm video bắt đầu được sản xuất chỉ để phục vụ môi trường số đã ra đời, thiết kế theo trải nghiệm người dùng điện thoại thông minh.

Ngành xuất bản, dù không thật sự nhìn thấy nhiều biến động lớn, nhưng cũng đang phát triển khá tốt về số lượng đầu sách xuất bản và tỷ lệ người đọc đang tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, cái đáng nói là sự hình thành và âm thầm phát triển của các dạng thức xuất bản kiểu mới, được số hóa, như mô hình siêu văn bản tương tác (interactive PDF), sách nói (audio book), hay sách ứng dụng công nghệ thực tại ảo (augmented reality - AR). Theo VietnamPlus, riêng sáu tháng đầu năm 2018, toàn ngành thực hiện 15.650 đầu sách; trong đó, số xuất bản phẩm điện tử là 19 đầu sách (với 165,2 triệu cuốn), với tổng doanh thu đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng.

Rõ ràng, để phát triển công nghiệp văn hóa, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ bên cạnh việc tăng cường hiệu quả quản lý, quy hoạch cũng như nuôi dưỡng nó phát triển, rất cần một tầm nhìn, khả năng dự báo xu hướng phát triển đúng đắn. Một cái áo quá nhỏ sẽ khó vừa cho một cơ thể cường tráng và ngược lại.