Cần Thơ, “đất lành” thu hút đầu tư

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị và 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (2004-2019), Cần Thơ đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, là động lực dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng, đang dần trở thành hiện thực.

Bến Ninh Kiều - địa điểm du lịch nổi tiếng của TP Cần Thơ.
Bến Ninh Kiều - địa điểm du lịch nổi tiếng của TP Cần Thơ.

Sức bật từ các trụ cột kinh tế

Đầu xuân, bên tách trà, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung chia sẻ, Cần Thơ là địa phương duy nhất trong 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguồn thu ngân sách được điều tiết về Trung ương mỗi năm từ 10%, tính từ năm 2008. Đằng sau con số tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 14% là những nỗ lực chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ - thương mại, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ năm 2018 của thành phố ước đạt hơn hai tỷ USD, vượt 15,64% kế hoạch, tăng 13,14% so với năm 2017. Bên cạnh đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 8,15%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,21%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,47%... Sức bật lớn đến từ ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, với mức tăng 12,5% so với năm trước. Trong năm 2018, Cần Thơ đã đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,65 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2017.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, những năm qua, TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và hợp tác đầu tư. Thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội nghị cấp cao mang tầm quốc gia và quốc tế, Cần Thơ đã quảng bá được hình ảnh về vùng đất, con người và môi trường đầu tư lý tưởng của thủ phủ miền tây đến tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Niềm vui ánh lên trên gương mặt Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống khi ông nói về thước đo “chỉ số niềm tin” trong mắt các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư đang ngày một tăng cao. Từ thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 85.000 tỷ đồng. Hiện có 30 dự án đầu tư trong nước đang triển khai trên địa bàn, với diện tích 545 ha, tổng mức đầu tư 13.662 tỷ đồng và 81 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên đến 697 triệu USD.

Vai trò trung tâm, dẫn dắt

Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, mục tiêu của Cần Thơ là xây dựng và phát triển thành phố hiện đại, xứng đáng với vai trò cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công, là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế - văn hóa và khoa học - công nghệ của vùng. Đồng thời là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhìn xa hơn, Cần Thơ đang vươn mình trở thành đô thị thông minh, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào ứng dụng xây dựng Chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và du lịch thông minh.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ, muốn hiện thực hóa mục tiêu trên, Cần Thơ cần trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, tạo nên tính lan tỏa, góp phần thu hút nguồn lao động và nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác trong khu vực. “Cần Thơ có mạng lưới các trường đại học, trường cao đẳng có uy tín, đồng thời cũng có nhiều bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên ngành và là tuyến trên của bệnh viện các tỉnh. Từ đó cho thấy vai trò trung tâm về giáo dục - đào tạo và y tế của Cần Thơ đối với các tỉnh trong vùng khá rõ”, đồng chí Trần Quốc Trung nhận định.

Những lần cùng đồng chí Võ Thành Thống công tác về cơ sở, chúng tôi cảm nhận rõ sự quyết tâm và cầu thị của vị chủ tịch đối với sự phát triển của thành phố. Đồng chí nói rằng, phải xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống và đặt kỳ vọng vào các dự án động lực tạo nên dấu ấn trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long. Đó là dự án nâng cấp, phát triển hạ tầng đô thị TP Cần Thơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, với giai đoạn 2 và giai đoạn 3 hơn 7.000 tỷ đồng. Từ đó xây dựng quy hoạch tích hợp kế hoạch sử dụng đất, xây dựng, phát triển kinh tế gắn với phát triển các đô thị vệ tinh. Đặc biệt tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch tại trung tâm thành phố như triển khai hai dự án quan trọng: Dự án tòa tháp du lịch cồn Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và dự án Bến du thuyền Cần Thơ, cũng tại phường Cái Khế, với tổ hợp thương mại - dịch vụ cao cấp. “Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi và đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện các dự án Khu vui chơi giải trí Cồn Khương, Khu du lịch Cồn Sơn, Khu du lịch sinh thái Phong Điền… sẽ trở thành trung tâm kết nối với các khu, điểm du lịch của các tỉnh khác trong vùng”, đồng chí Võ Thành Thống tin tưởng.