Sức dân - Sức nước

Có thể hiểu theo cả hai nghĩa, sức mạnh nhân dân cũng chính là sức mạnh đất nước. Dân giàu thì nước mạnh, dân mạnh thì nước giàu. Một cách hiểu khác, đó là sức dân trào thác lũ, nhấn chìm, cuốn phăng mọi vật cản - điều này Nguyễn Trãi đã viết trong bài thơ Quan hải từ thế kỷ 15 “Lật thuyền mới biết dân như nước”.

Bài viết đầu Xuân Kỷ Hợi này, cũng là dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng ta, chúng tôi muốn nói về sức mạnh đất nước được hội tụ từ sức mạnh nhân dân. Đất nước bên bờ sóng thân yêu của chúng ta từng trải qua bao biến thiên, binh lửa, hàng nghìn năm chống phong kiến và các thế lực ngoại xâm, đối mặt với những tên đế quốc đầu sỏ trong thế kỷ 20. Làm nên những trang sử vàng, di sản tinh thần vô giá chính là nhân dân. Đương nhiên người nhen nhóm, hun đúc lòng yêu nước cháy bỏng, tập hợp lực lượng, đốt đuốc vạch đường phải là những nhà yêu nước, lãnh tụ nghĩa quân. Và cách mạng, sau bao xương máu hy sinh, trở thành ngày hội lớn, nước Việt Nam mới ra đời chỉ từ khi có Đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo.

Một điểm nhất quán trong tư tưởng, trong đường lối cứu nước, giữ nước từ hàng nghìn năm lịch sử là cha ông ta nhận rõ sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân. Lý Thái Tổ viết trong Chiếu dời đô: “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”. Trần Hưng Đạo vạch đường đi cho đương thời và cho hậu thế: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Và Nguyễn Trãi: “Chúng chí thành thành” (Ý chí của dân là thành trì giữ nước kiên cố nhất). Nhìn lại lịch sử, còn nhớ triều đại nhà Hồ, với tham vọng lớn và tư tưởng cải cách mới mẻ, Hồ Quý Ly đã xây dựng Đại Ngu trở thành một quốc gia hùng mạnh về quốc phòng. Rất tiếc, vương triều ấy đã sụp đổ khi ngoại bang xâm lược, mà nguyên nhân chủ yếu do “lòng dân không theo”. Nhà Hồ dốc sức cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự cốt để bảo vệ vương triều, phục vụ chiến tranh là chính, cuộc cải cách lớn ấy không vì đời sống no ấm, yên vui của dân lành. Bài thơ Quan hải của Nguyễn Trãi nặng đầy trăn trở và vô cùng sâu sắc. Dẫu có đóng cọc gỗ lim, giăng lưới sắt tất cả các cửa biển, dẫu có quân hùng tướng mạnh cũng không thể ngăn nổi quân xâm lược: “Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển/Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi”.

Bài học lịch sử cứu nước và giữ nước nghìn đời còn tươi mới. Từ thời Trần các võ tướng đã truyền rằng, cái đáng lo là trì quốc (giữ nước) chứ không phải trị quốc (cai trị đất nước). Trì quốc mới bảo đảm được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông. Muốn giữ nước vững bền không rơi vào họa mất nước phải có đôi vai trăm họ cùng gánh. Còn chỉ lo trị nước thì đó là công việc của một số ít người nắm quyền bính.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, thời đại mà chúng ta đang bước tiếp hôm nay công việc trì quốc vẫn nặng gánh sơn hà. Tháng 9-1945, chỉ sau hơn hai tuần Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Bác Hồ đã viết bài “Chính phủ là công bộc của dân” trên báo Cứu Quốc. Người lưu ý rằng, mỗi thành viên Chính phủ phải “nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người, phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”.

Nhờ tin Đảng, một lòng theo Đảng mà trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sức dân ấy đã chuyển hóa thành sức mạnh vô địch. Như ngọn triều dâng đúng lúc, Hà Nội quyết định Tổng khởi nghĩa khi chưa nhận được bản Quân lệnh số 1 phát ra từ Chiến khu Tân Trào. Còn Sài Gòn quyết định nổi dậy giành chính quyền cũng chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương. Thế rồi như sóng trào lũ cuốn, đầu não chính trị phía nam đã giành chính quyền vào ngày 25-8.

Nhờ tin Đảng, một lòng theo Đảng mà cách đây 50 năm, tháng 8-1968, người dân làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc” đã dỡ nhà cửa của mình mang lát đường cho đoàn xe ra mặt trận.

Nhờ tin Đảng, một lòng theo Đảng mà bà má miền nam kiên gan đào hầm suốt cả cuộc đời, âm thầm nuôi “những đoàn quân từ trong lòng đất” đợi ngày chiến thắng. Có những bà mẹ huyền thoại như Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mễ ở thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong vòng 10 năm (từ năm 1958 đến 1969) đã đào tới 13 căn hầm nuôi cán bộ trong nhà, trong vườn.

Lịch sử sẽ còn tiếp tục phân tích, luận giải về sự phi thường trong những điều bình thường đó. Xin trích một ý kiến của “phía bên kia”. Giáo sư sử học người Mỹ Ga-bri-en Côn-cô đã viết trong cuốn sách Giải phẫu một cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại: “Những cán bộ đều luôn luôn có mặt, chia sẻ cuộc sống của nhân dân, làm cho Đảng luôn luôn gắn liền với lo âu, ước vọng của quần chúng. Những người Mỹ nghiên cứu vai trò của cán bộ, của thôn xóm, đều thấy họ được lòng dân và được kính trọng với tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là con người với con người”.

Năm tháng chưa xa ấy vẫn còn đây trong câu chuyện của những cựu chiến binh trở về từ Trường Sơn, Trường Sa, Tây Nguyên, bưng biền Đồng Tháp… Năm tháng chưa xa ấy là dấu gạch nối đến hôm nay, thời Đổi mới, thời gần đây chúng ta hay gọi “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Một lẽ tự nhiên, sâu thẳm từ nguồn cội, sức dân vẫn luôn là tiềm năng lớn nhất, sức mạnh nội sinh lớn nhất.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã tổng kết: “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Đảng chỉ rõ: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Lợi ích chính đáng của nhân dân phải là cơ sở để hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đó là một tư tưởng lớn. Thực hiện tư tưởng lớn ấy không thể là những bài học thuộc lòng. Hơn thế, đó là đường đi nước bước cụ thể, những chỉ đạo rõ ràng, giản dị tưởng như nóng hổi trên tay, chuyện mảnh đất, ngôi nhà, miếng cơm, manh áo của dân. Đường đi nước bước hiện hữu trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới; trong việc tìm hướng cải cách nền hành chính quốc gia, tạo ra môi trường ngày càng tốt cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, chớ để “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Rồi việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng các chương trình, mũi đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Có thể kể những chương trình lớn của Chính phủ như thúc đẩy khởi nghiệp, phấn đấu hướng đến mục tiêu một triệu doanh nghiệp trong vài năm tới; chương trình 100 nghìn tỷ đồng thúc đẩy chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Tất cả là để hướng tới khơi dậy sức dân, huy động sức dân và không quên bồi dưỡng sức dân.

Những nỗ lực ấy được nhân dân ghi nhận. Luồng gió mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, chuyện đã rõ như ban ngày, kỷ luật của Đảng ta ngày càng nghiêm minh, không có bất kỳ “vùng cấm” hay “vùng tránh” nào. “Lò lửa” chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm lửa đã và đang rừng rực cháy. Dân tin, Đảng nói đi đôi với làm! BÂY giờ, điều mong mỏi của nhân dân trước thềm xuân mới? Mong gì ư, mong Đảng nêu gương, cán bộ nêu gương như Quy định mới đây đã xác định. Bởi “gương sống” có phần đang ít, mà “luận văn tuyên truyền” có phần đang nhiều; bởi cán bộ quyết đoán còn ít, độc đoán, dựa dẫm còn nhiều.

Mong gì ư, mong mọi người dân đều có cuộc sống no đủ, được hít thở trong bầu khí quyển trong lành, dân chủ và đổi mới. Mọi người, chứ không phải một nhóm người nào đó. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, sau khi cho biết dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019: “Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển”.

Không quên ai và không ai bị bỏ quên. Chân lý đơn giản thế! Đơn giản thế mà cũng gian nan là thế!

Con đường lớn chúng ta đang đi có ánh sáng ngàn năm rọi chiếu, có ánh sáng của thời đại mới, cùng bốn biển năm châu hội nhập. Bước đi nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng lòng dân, sức dân là đôi cánh để dân tộc bay lên!