Những dấu ấn then chốt

Năm Mậu Tuất - 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng có nhiều dấu ấn trên cả ba mặt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kết quả đạt được. Chưa bao giờ, nhiệm vụ then chốt này hoàn thành khối lượng công việc lớn, khó, nhạy cảm và phức tạp đến như vậy.

Những dấu ấn then chốt

Rõ nhất là sự gắn kết đồng bộ giữa sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; giữa ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tạo môi trường cho cán bộ làm việc tốt hơn.

Năm 2018, các kỳ hội nghị Trung ương đã bàn, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, ban hành nhiều nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề mang tầm chiến lược cũng như những việc tác động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, Trung ương ban hành bốn nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mỗi nghị quyết, quy định là một công trình nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng; là sự kế thừa, phát triển và hoàn thiện chủ trương, đường lối đổi mới trong từng lĩnh vực phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước.

Chuẩn bị cho Nghị quyết số 26 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã dày công tổ chức nghiên cứu thực tiễn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ; tổng hợp báo cáo của 126 đơn vị; làm việc với 15 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; tiến hành điều tra xã hội học và tham khảo kinh nghiệm một số nước. Dự thảo đề án được trình Bộ Chính trị cho ý kiến nhiều lần để hoàn thiện mới trình Hội nghị Trung ương. Những yếu kém trong công tác cán bộ, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu được chỉ ra thẳng thắn. Giải pháp thực hiện mang tính đột phá, quyết liệt và toàn diện hơn, nhất là việc khắc phục yếu kém trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, trong kiểm soát quyền lực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền. Quyết tâm mới trong chỉ đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, thể hiện ngay từ khi dự thảo nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết liên quan.

Không phải ngẫu nhiên, năm 2018, cùng với nghị quyết về công tác cán bộ, Trung ương ban hành hai nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương; bảo hiểm xã hội, nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất để cán bộ có thể toàn tâm, toàn ý với công tác. Đây là những phần việc nối tiếp các công việc đã làm trong năm trước, như các quy định 89, 90 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ; Quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm. Chuẩn bị cho Đại hội XIII, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được thành lập và đã đi vào hoạt động. Đây là điểm mới trong công tác cán bộ, là “bộ lọc” đầu tiên giúp Trung ương lựa chọn, nâng cao chất lượng cán bộ ngay từ “vòng ngoài”. Điểm lại như vậy để thấy mối quan hệ khăng khít giữa các nghị quyết, quy định trong chiến lược tổng thể về công tác cán bộ của Đảng với cách làm bài bản, khoa học, tư duy chiều sâu và chắc chắn.

Mỗi nghị quyết tưởng như một vấn đề độc lập, nhưng gắn kết chặt chẽ với các nghị quyết, văn bản khác. Việc thực hiện các Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập không thể không gắn với các nghị quyết, quy định về công tác cán bộ nêu trên. Kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng giúp các đảng bộ nhận rõ những bất cập trong tổ chức bộ máy của địa phương, cơ quan, đơn vị; việc đánh giá đúng cán bộ làm cơ sở cho tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu quả hơn. Đây là một trong những điểm nhấn của công tác xây dựng Đảng năm 2018, thể hiện rõ phương châm gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ cương với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Vừa hoạch định các chính sách mang tầm chiến lược, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa quyết liệt xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.

Tính từ kỳ họp 21 đến kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong năm 2018, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật và đáng buồn nhất là nhiều cán bộ cấp tướng thuộc lực lượng Công an và Quân đội, cá biệt có những trường hợp là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; là khắc tinh của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao lại phạm tội trong chính lĩnh vực này, phải kết án tù. Ở một số địa phương như Quảng Trị, Trà Vinh triển khai tương đối bài bản việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng, nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra các cấp đã phát hiện và kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng xảy ra ở các Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh (Trà Vinh) và Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị) phải xử lý kỷ luật. Vì những vi phạm của các Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng), Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy Quảng Nam…, nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ diện Trung ương quản lý phải nhận án kỷ luật. Một bài học đắt giá, như buộc phải chặt đi cành sâu mọt để bảo vệ cho cây xanh tốt. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri TP Hà Nội sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, trong xử lý cán bộ vi phạm cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chúng ta xử lý nghiêm mọi sai phạm, nhưng cũng rất nhân văn, mở đường cho người vi phạm có cơ hội sửa chữa, tiến bộ. Đồng thời phải làm quyết liệt hơn, khâu nào yếu thì chấn chỉnh, mắt xích nào hỏng thì thay ngay.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác cán bộ, năm 2018 là năm sắp xếp tổ chức bộ máy của nhiều ngành, địa phương; kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Lực lượng Công an nhân dân đã bỏ sáu tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục, gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở công an các địa phương, sáp nhập 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức công an cấp tỉnh, huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Chỉ với quyết tâm chính trị rất cao, chỉ đạo quyết liệt, tinh thần đồng thuận lớn, ngành Công an mới làm được như thế. TP Hà Nội đã sắp xếp xong tất cả các sở, ban, ngành, các ban của Đảng, các đơn vị sự nghiệp công lập. Quảng Ninh thực hiện quyết định hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ tại 13/14 địa phương cấp huyện và tất cả 14 cơ quan Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện. Nhiều tỉnh đã hợp nhất sở văn hóa, thể thao và du lịch với sở thông tin và truyền thông; sở giáo dục và đào tạo với sở khoa học và công nghệ; sở tài chính với sở kế hoạch và đầu tư; sở xây dựng với sở giao thông vận tải; đài phát thanh và truyền hình với báo đảng; ban dân tộc với ban tôn giáo; trưởng ban dân vận cấp huyện với chủ tịch mặt trận cùng cấp, v.v. Một khối lượng công việc lớn, hệ trọng, khó, nhạy cảm đang được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện quyết liệt đến cuối nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Một năm đi qua bao giờ cũng mang đậm dấu ấn của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, niềm vui nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Năm 2018 khép lại chứa đựng bao niềm vui của đất nước, toàn bộ 12 chỉ tiêu đề ra đều hoàn thành, trong đó tám chỉ tiêu hoàn thành vượt mức; công tác xây dựng Đảng để lại nhiều dấu ấn, ý Đảng hòa quyện lòng dân để đất nước vào Xuân mới Kỷ Hợi - 2019 trong niềm vui mới, khí thế mới và sẽ có nhiều thành công mới.