Nông nghiệp - Nông dân -Nông thôn

Tái đàn lợn có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được kiểm soát tốt, là lúc để các địa phương tăng cường tái đàn lợn, tăng thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc tái đàn cần có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học.

 Dây chuyền thức ăn chăn nuôi được sản xuất khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long (Quốc Oai, Hà Nội) bảo đảm an toàn sinh học. Ảnh: TÚ QUỲNH
Dây chuyền thức ăn chăn nuôi được sản xuất khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long (Quốc Oai, Hà Nội) bảo đảm an toàn sinh học. Ảnh: TÚ QUỲNH

Đến nay, cả nước có 98,7% số xã có DTLCP đã qua 30 ngày; trong đó có 39 tỉnh, thành phố đã hết DTLCP. Cả nước chỉ còn 109 xã (chiếm 1,3% tổng số xã có dịch) của 24 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch DTLCP, làm 20.177 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy, cụ thể là trong tháng 1, DTLCP phát sinh thêm tại 22 xã, số lợn tiêu hủy là 12.037 con. Trong tháng 2, DTLCP phát sinh thêm hai xã (ở hai tỉnh Hòa Bình và Quảng Bình), số lợn tiêu hủy là 7.435 con, giảm 62% so với tháng 1-2020. Tính đến ngày 9-3, dịch không phát sinh thêm tại địa phương mới; số lợn tiêu hủy là 1.218 con. Dự kiến đến hết tháng 3, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy sẽ giảm khoảng 46% so với tháng 2-2020.

Thời gian qua, ở nhiều nơi, cơ sở chăn nuôi không xảy ra dịch đã chủ động tăng đàn, tái đàn lợn khá hiệu quả, gồm: Bắc Giang, Bình Ðịnh, Ðồng Nai… Tại Ðồng Nai, đã nuôi tái đàn được 354 nghìn con lợn, tăng 28% so cuối năm 2019. Theo đại diện Sở NN và PTNT tỉnh, có được thành quả nêu trên là do Ðồng Nai có định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp và triển khai các chính sách hỗ trợ chăn nuôi như xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (CNATSH), xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ ở Ðồng Nai, Bắc Giang cũng là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi lợn phát triển, với tổng đàn lợn là 818.500 con, lợn nái hơn 61 nghìn con, lợn đực giống 490 con, lợn thịt hơn 655 nghìn con, lợn con theo mẹ hơn 101 nghìn con. Công tác tái đàn và việc quản lý đàn lợn của Bắc Giang có nhiều cách làm sáng tạo, có tính phù hợp và linh hoạt với tình hình thực tế tại địa phương. Nếu thời điểm trước khi có DTLCP, tổng đàn lợn của Bắc Giang là hơn 1,1 triệu con, thời điểm dịch bùng phát chỉ còn hơn 700 nghìn con và hiện có hơn 818 nghìn con, cho thấy sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh. Từ thực tế này, năm nay, tỉnh đề ra kế hoạch đàn lợn có khoảng một triệu con, thịt lợn hơi xuất chuồng đạt mức 160 nghìn tấn. Tại Lào Cai, tỉnh đã xây dựng hai chuỗi sản phẩm chăn nuôi: Chuỗi lợn thịt thương phẩm (lợn đen bản địa) của Công ty TNHH Anh Nguyên (tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà), chăn nuôi trên đệm lót sinh học, sử dụng thức ăn tự phối trộn ủ lên men tự nhiên, sản lượng khoảng 5 tấn /tháng. Chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn (lợn ngoại) của hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền (tại xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng), hiện HTX này có sáu cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, gồm một cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản (quy mô chăn nuôi 520 con lợn nái), hằng tháng sản xuất 1.000 con lợn giống thương phẩm; năm cơ sở chăn nuôi lợn thịt (quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 500 - 1.000 con lợn thịt/lứa). Ngoài ra, HTX còn liên kết với các trang trại chăn nuôi ở các vùng lân cận mở rộng sản xuất, cung ứng ổn định cho thị trường trong tỉnh từ ba đến bốn tấn lợn thịt/ngày. Còn ở Hà Nội, tổng số lợn tái đàn tăng hơn 232 nghìn con, sản phẩm thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 ước tính đạt khoảng 228 nghìn tấn. Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Chi cục đã hướng dẫn các hộ dân, trang trại thực hiện tái đàn trong điều kiện có kiểm soát, áp dụng CNATSH, khoảng hai tháng nữa sẽ cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào cho người tiêu dùng.

Ðồng hành với các địa phương, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để duy trì phát triển sản xuất. Ðã có một số mô hình CNATSH kết hợp bổ sung chế phẩm trong thức ăn, nước uống, phun trong chuồng, độn chuồng, bảo đảm giữ an toàn cho đàn lợn của: Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên Huế), Công ty Hà Long (Hưng Yên), HTX Hoàng Long (Hà Nội), Công ty Amafarm (Hưng Yên, Hải Dương)... Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, tới đây sẽ đầu tư thêm các nhà máy chế biến sâu hoặc liên kết với những cơ sở giết mổ, hạn chế thấp nhất "các khâu trung gian", để giá thịt lợn đến người tiêu dùng ở mức hợp lý hơn. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu áp dụng triệt để biện pháp CNATSH trên diện rộng có thể loại bỏ được một số loại bệnh, dịch trên đàn lợn (DTLCP, bệnh tai xanh...), bảo đảm nguồn thịt sạch, tăng thêm nguồn cung. Với tốc độ tăng đàn, tái đàn như hiện nay và DTLCP tiếp tục được khống chế tốt trong thời gian tới sẽ cung cấp đủ thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá.

Theo Bộ NN và PTNT, trong điều kiện DTLCP vẫn còn tiềm ẩn, để duy trì phát triển sản xuất, các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi đã có dịch mà đáp ứng đủ điều kiện tái đàn và mở rộng quy mô đàn ở những nơi vẫn đang còn an toàn dịch, tuân thủ đúng quy trình CNATSH, kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng thêm nguồn cung thịt lợn, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu tiêu dùng.

Sản lượng thịt lợn sẽ tăng mạnh từ tháng 3-2020

Tính đến ngày 15-3, lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Ca-na-đa tăng 29%, Ðức hơn 19%, Ba Lan 12%, Bra-xin 12%, Hoa Kỳ 5,5%. Bộ NN và PTNT dự báo, từ tháng 3-2020 trở đi, sản lượng thịt lợn sẽ tăng, do lợn tái đàn đến kỳ xuất bán. Ðể bảo vệ thị trường, phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững; hài hòa lợi ích của cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, cần đưa giá lợn dần xuống mức độ hợp lý, bởi vẫn còn dư địa để hạ thêm giá lợn, khi với giá lợn hơi 75 nghìn đồng/kg, người nuôi đã có lãi cao.

Tổng đàn lợn bằng gần 74% so với trước khi có DTLCP

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y của các tỉnh, thành phố; đến giữa tháng 3-2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có DTLCP (khoảng 31 triệu con vào tháng 12-2018). Cả nước có chín tỉnh có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP, bao gồm: Yên Bái, Hòa Bình, Kon Tum, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng, Bình Phước, Tây Ninh và Cà Mau. Tổng đàn lợn của các địa phương này là 3,64 triệu con.