Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn mà còn góp phần giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, trở thành địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2020.

Ðường giao thông ở thôn Như Lân, xã Long Hưng (Hưng Yên) được đổ bê-tông khang trang, sạch đẹp.
Ðường giao thông ở thôn Như Lân, xã Long Hưng (Hưng Yên) được đổ bê-tông khang trang, sạch đẹp.

Chủ trương đúng

Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ thể trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tháng 5-2011, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 17 ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Sau Nghị quyết 02, hàng loạt quyết định, kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM theo từng giai đoạn cụ thể cũng được ban hành. Theo đó, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn các văn phòng điều phối xây dựng NTM, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ NTM các cấp được chú trọng.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, để tăng cường nguồn lực cho xây dựng NTM, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, cơ giới hóa nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý phục vụ xây dựng NTM như: Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn nhằm đem lại những "quả ngọt" cho nền kinh tế địa phương. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn tỉnh có 714 trang trại, 115 Tổ hợp tác và 318 hợp tác xã (HTX); trong đó, có 149 HTX dịch vụ nông nghiệp được tổ chức lại hoạt động, 169 HTX thành lập mới theo Luật HTX năm 2012 đang hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân của các HTX đạt 1,4 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 358,6 triệu đồng/HTX (số liệu năm 2019). Ðiển hình là HTX thương mại nuôi trồng thủy sản Xuân Trường, doanh thu đạt 30 tỷ đồng/năm; HTX nông nghiệp Thắng Lợi đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng/năm... không chỉ góp phần làm sống lại những làng nghề truyền thống với hàng trăm sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.

Qua khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM hằng năm, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 80% trở lên, có những địa phương đạt hơn 95%. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình; không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng NTM.

Bằng cách thay đổi tư duy, biện pháp chỉ đạo theo hướng phân cấp cho địa phương, tỉnh Hưng Yên từng bước giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước trong xây dựng NTM. Tổng huy động vốn cho chương trình xây dựng NTM của toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đạt hơn 143.029 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 1.863 tỷ đồng, chiếm 1,3%, vốn vay tín dụng là 66.500 tỷ đồng, chiếm 46,5%, còn lại là từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Không dừng lại ở đạt chuẩn NTM, hiện tại tỉnh Hưng Yên đang triển khai thí điểm nhiều mô hình nông thôn tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nông thôn bền vững.

Nỗ lực trong từng tiêu chí

Ðánh giá về những cách làm sáng tạo của tỉnh trong xây dựng NTM thông qua sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các địa phương trong thực hiện các nhóm tiêu chí xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ðỗ Minh Tuân cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2020 đã giảm còn 1,48% tương ứng với 6.025 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,68% tương ứng 6.844 hộ (năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo là 1,9% tương ứng 7.575 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo 2,31% tương ứng 9.180 hộ) và cơ bản không còn tình trạng tái nghèo.

NTM không chỉ giúp tỉnh Hưng Yên hoàn thành mục tiêu xóa nghèo bền vững mà còn góp phần kết nối người dân Hưng Yên, cho thấy NTM không phải là đích đến để có thể dừng lại, thụ hưởng, mà chính là thử thách mới trong triển khai NTM nâng cao.

Chia sẻ về quyết định hiến hàng trăm mét vuông đất cùng chính quyền làm đường giao thông, ông Nguyễn Văn Biết, người dân xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên cho biết, ông rất tự hào với quyết định hiến đất của mình, bởi việc hiến đất có thể giúp người dân có được những tuyến đường giao thông khang trang, sạch đẹp. Nhờ những đóng góp tự nguyện của người dân, trong 10 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 1,7 triệu mét vuông đất thổ cư, gần 700 ha đất nông nghiệp được hiến tặng để xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi.

Theo đồng chí Ðỗ Minh Tuân, giai đoạn 2012 - 2025 ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để có thể hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế ngành, trong đó trọng tâm là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở, địa phương giải quyết nhanh các yêu cầu về đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từng bước hoàn thành mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm.

Không dừng lại ở những đột phá về chính sách, Sở NN và PTNT còn chủ động xây dựng chương trình NTM nâng cao kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trình UBND tỉnh. Trong đó, chú trọng việc xây dựng và ban hành Quy định quản lý theo quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, gắn với chỉnh trang, xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao trên toàn tỉnh. Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM quốc gia Nguyễn Minh Tiến, để có được những thành công trong xây dựng NTM nâng cao cần bắt đầu từ các mô hình xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao, các địa phương cần chủ động trong triển khai các đề án, gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể, xây dựng thí điểm Bộ tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu, phù hợp điều kiện, đặc thù của từng địa phương... huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện đề án. Ðây là những khuyến cáo cụ thể trong giai đoạn 2 xây dựng NTM kiểu mẫu và Hưng Yên cũng đang đi đúng theo lộ trình, bằng nguồn nội lực hiện có để đích đến không còn xa.

Mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM Giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên xác định, tạo chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp hiện đại - nông dân khá giả - nông thôn thông minh, từng bước đô thị hóa nông thôn. Phấn đấu thu nhập người dân đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, tiến tới không còn hộ nghèo.