Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Dự kiến đến cuối năm 2020, thành phố Hà Nội có mười huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hoàn thành mục tiêu đề ra trước thời hạn hai năm. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu.

Làng bích họa thôn Chử Xá, xã Văn Đức (Gia Lâm) - điểm tham quan hấp dẫn du khách. Ảnh: NAM NGUYỄN
Làng bích họa thôn Chử Xá, xã Văn Đức (Gia Lâm) - điểm tham quan hấp dẫn du khách. Ảnh: NAM NGUYỄN

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
 
 Đến nay, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa gần 79.500 ha, kết hợp quy hoạch sản xuất, cải tạo giao thông thủy lợi nội đồng. Theo đó, chuyển đổi hơn 40.200 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung hiệu quả kinh tế cao, như vùng trồng rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Mê Linh; vùng trồng cây ăn quả ở các huyện Thanh Oai, Gia Lâm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ. Thành phố xây dựng thành công 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hơn 140 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể được bảo hộ, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản sạch, an toàn, chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân... Nhờ đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng trung bình hơn 2,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/năm.
 
 Chín tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19, nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tăng trưởng 3,8% và dự kiến cả năm 2020 đạt hơn 4,1%. Thành phố đã công nhận thêm hai xã đạt chuẩn NTM và hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM của thành phố lên 355 xã, đạt gần 93%, trong đó 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với cấp huyện, thị xã Sơn Tây đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Các huyện: Thạch Thất, Thường Tín và Phúc Thọ đã trình hồ sơ để xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện: Thanh Oai, Sóc Sơn và Phú Xuyên hoàn thành các tiêu chí, đủ điều kiện công nhận huyện NTM, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
 
 Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân đã tạo chuyển biến toàn diện cuộc sống người dân ngoại thành. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 56.510 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt, thành phố huy động được 4.810 tỷ đồng vốn xã hội hóa, trong đó người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất… trị giá gần 2.000 tỷ đồng. Ông Vũ Quang Tung, xóm Ngang, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín cho biết: Chương trình xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân ngoại thành. Đường làng, ngõ xóm, hồ, ao trong khu dân cư được cải tạo; trường học, trạm y tế được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng được tu sửa, giúp sản xuất nông nghiệp thuận lợi, người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Đáng mừng hơn, tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết thống nhất trong khu dân cư và giữa nhân dân với lãnh đạo thôn, xã được củng cố, nâng cao nhờ việc triển khai xây dựng NTM công khai, minh bạch, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Nhận thấy rõ điều này cho nên trong quá trình xây dựng NTM, người dân xã Dũng Tiến đã tự nguyện đóng góp hơn 8 tỷ 600 triệu đồng, cùng chính quyền kiến thiết quê hương.
 
 Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chia sẻ, 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Thường Tín đã đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Đến cuối năm 2019, huyện có 28 xã về đích NTM, trong đó xã Hồng Vân đạt NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân đạt 54,6 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, bốn xã: Văn Bình, Nhị Khê, Hà Hồi và Vạn Điểm đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao; đồng thời xây dựng NTM kiểu mẫu ở xã Hồng Vân.
 
 Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao
 
 Dự kiến đến cuối năm 2020, thành phố Hà Nội có mười huyện và 371 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu đề ra trước thời hạn hai năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần so năm 2016. Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp thành phố còn một số hạn chế như: sản xuất thiếu tính bền vững, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất còn ít. Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều. Thu nhập người dân nông thôn còn chênh lệch so với khu vực nội thành…
 
 Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70% tổng sản phẩm nông nghiệp của thành phố. Thành phố sẽ có thêm chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu mang bản sắc riêng của Thủ đô. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đồng bộ hạ tầng kinh tế với hạ tầng xã hội. Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn; xây dựng môi trường sinh thái.
 
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Kết quả Chương trình số 02 là thành tựu nổi bật của thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020, trở thành điểm sáng của cả nước. Tuy nhiên thành phố xác định, xây dựng NTM không có điểm dừng, không có điểm kết thúc, và là công việc thường xuyên, liên tục. Trong nhiệm kỳ tới, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt các nội dung chương trình, với tiêu chí, chất lượng và hiệu quả cao hơn, phấn đấu đến năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã NTM kiểu mẫu và năm huyện phát triển lên quận, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.