Cảnh báo thời tiết nguy hiểm tại các tỉnh Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn quốc gia, bộ phận không khí lạnh yếu ở phía bắc tiếp tục nén rãnh áp thấp dịch chuyển xuống phía nam. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén nên từ hôm nay (12-5), ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa dông diện rộng; riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ chiều 12-5, mưa dông mở rộng xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Mưa to kèm theo lốc xoáy làm hỏng nhà dân tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: HỮU TRUNG
Mưa to kèm theo lốc xoáy làm hỏng nhà dân tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: HỮU TRUNG

★ Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, từ ngày 7 đến 10-5, mưa dông, lốc, sét tại 14 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Gia Lai đã làm một người chết; 20 người bị thương; 61 nhà bị sập; 8.659 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.343 ha cây công nghiệp bị gãy đổ; 3.650 con gia cầm bị chết; 3,6 tấn cá bị thiệt hại; hai trụ sở UBND xã và 142 điểm trường bị tốc mái, gãy đổ 85 cột điện. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính 91,5 tỷ đồng.

★ Tại Hà Tĩnh, trận lốc xoáy xảy ra vào lúc 15 giờ ngày 11-5 làm tốc mái nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Hương Khê, gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Cụ thể, làm tốc mái 133 nhà dân ở các thôn: Vĩnh Hưng (45 hộ), Vĩnh Trường (56 hộ) và Hòa Sơn (32 hộ); trong số này có nhiều nhà bị tốc mái hoàn toàn. Ngoài ra, lốc xoáy còn gây đổ một số diện tích lúa, ngô và làm ướt thóc phơi của bà con nông dân tại các xã: Hương Xuân, Hương Long, Phú Gia, Phú Phong và Hương Thủy.

★ Trong hai ngày 10 và 11-5, Đồn Biên phòng Ia Rvê và Đồn Biên phòng Ea H’leo (BĐBP Đắk Lắk) đã triển khai lực lượng giúp nhân dân và trường học khắc phục hậu quả do dông lốc gây ra trên địa bàn hai xã: Ia Rvê và Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Trước đó, lúc 19 giờ 30 phút ngày 9-5, trên địa bàn xã Ia Rvê xảy ra dông, lốc làm tốc mái hai phòng học thuộc phân hiệu 2 Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, một nhà dân tại xã Ia Rvê và bốn hộ dân tại xã Ia Lốp.

★ Theo Cục Kiểm lâm, tính đến ngày 11-5, nhiều khu vực tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã trải qua nhiều ngày không mưa, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Cục Kiểm lâm đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương có cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Cụ thể một số khu vực có nguy cơ cháy rừng cấp V như: Khu vực Phan Rang - Tháp Chàm, Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận); khu vực TP Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận); khu vực Cư M’gar, Krông Pắc, huyện Cư Kuin, TP Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn (Đắk Lắk); khu vực Krông Pa, Ia Pa, Ayun Pa (Gia Lai)...

★ Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang (Quảng Nam), qua kiểm tra thực tế hiện trường vụ cháy rừng (vào ngày 5-5), tại khoảnh 6 và 7, tiểu khu 160 (thuộc xã Mà Cooih, huyện Đông Giang), các cơ quan chức năng đã sơ bộ xác định tổng diện tích rừng cháy hơn 32 ha; trong đó, diện tích bị phá, đốt là 3,5 ha, diện tích rừng thiệt hại do cháy lan 28,8 ha. Toàn bộ khu rừng bị phá, đốt cháy thuộc chủ quản lý là: UBND xã Mà Cooih, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang và hộ gia đình…

★ Tỉnh Kiên Giang vừa công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn 15 huyện, thành phố. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân từng bước tái đàn. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện số lượng lợn được tái đàn trên toàn huyện là hơn 1.200 con. Việc tái đàn đang gặp thuận lợi là giá cả lợn sau khi hết dịch có chiều hướng gia tăng và mang lại lợi nhuận cho người dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, khi mua giống lợn cần tìm đến cơ sở uy tín.

★ Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên, kết quả tái đàn lợn trên địa bàn đến nay là 541 nghìn con. Số lợn này đủ cung cấp sản lượng thịt lợn cho toàn tỉnh với dân số 1,3 triệu người. Cụ thể hơn, sản lượng thịt lợn của Thái Nguyên cung cấp cho thị trường trong quý I-2020 đạt 38 nghìn tấn, chỉ hụt 2.000 tấn so với cùng kỳ. Tuy nhiên công tác tái đàn cũng đang được tỉnh thực hiện thận trọng, bảo đảm an toàn.

★ Tại tỉnh Hậu Giang, Hợp tác xã Hậu Giang Xanh vừa được thành lập. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện đề án phát triển Hậu Giang theo hướng xanh, sạch, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh phải được sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi khép kín, bảo đảm chất lượng. Hiện, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà Hợp tác xã Hậu Giang Xanh thực hiện, như: nuôi trồng thủy sản; chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản…

★ Tại Kon Tum, nông dân địa phương đã trồng được hàng chục nghìn ha sắn của niên vụ năm nay nhưng do nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích sắn bị chết buộc người dân phải trồng lại. Một số hộ còn một phần diện tích đã xuống giống nhưng không đáng kể, có những hộ mất trắng không còn giống để trồng trong vụ này.

★ Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), hơn 200 ha lúa đặc sản Séng Cù tại địa phương này bị mất trắng do trổ phấn đúng ngày rét lạnh. Cụ thể, tại xã Mường Vi, có 152 ha lúa đặc sản bị lép hoàn toàn, xã Bản Qua có 10 ha (6 ha lúa Séng Cù và 4 ha lúa khác), xã Bản Vược có 22 ha (20 ha Séng Cù), còn lại rải rác ở các xã Cốc Mỳ, Trịnh Tường bị lép hoàn toàn, do không thụ phấn được. Tổng diện tích lúa bị thiệt hại là hơn 200 ha. Ước tính tổng lượng thóc bị mất khoảng 1.200 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng.

★ Ngày 11-5, tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Theo đó, đặt mục tiêu bảo đảm giữ an toàn hệ thống đê điều tuyến đê hữu Hồng, tả Đáy ở mức thiết kế quy định, phấn đấu giữ ở mực nước lũ cao hơn; bảo đảm tưới, tiêu hợp lý cho hơn 87 nghìn ha diện tích các vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản năm 2020; tiêu úng cho các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ngày 11-5, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trong bốn tháng đầu năm 2020, sản lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chỉ đạt 141 nghìn tấn, giảm 72 nghìn tấn so cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh nguyên nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì còn do Trung Quốc siết chặt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam không thực hiện xuất khẩu được như những năm trước.