Cải thiện năng lực phòng, chống lũ quét, sạt lở đất

Trong những năm qua, tình hình lũ quét, sạt lở đất diễn ra trên hầu khắp các địa phương trên cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để đối phó hiệu quả lũ quét, sạt lở đất, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như nhận thức về thiên tai của người dân…

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2009, cả nước xảy ra 108 trận lũ quét, sạt lở đất (trung bình 11 trận/năm), làm 544 người chết, mất tích. Giai đoạn từ 2010 đến 2020, xảy ra 224 trận (trung bình 20 trận/năm), làm 572 người chết, mất tích. Điều đáng nói, lũ quét đã xảy ra khắp vùng miền núi, trung du của cả nước; năm nào cũng xảy ra, cường độ ngày càng gia tăng. Riêng trong năm 2020, đã có 132 người chết và mất tích vì lũ quét, sạt lở đất.
 
 Đặc điểm của lũ quét, sạt lở đất là bất ngờ, khó cảnh báo, dự báo và để lại hậu quả xã hội - kinh tế lớn, lâu dài, khó khắc phục. Nguyên nhân của tình trạng này là do địa hình đồi núi mái dốc lớn; đất rừng tự nhiên, thảm phủ thực vật suy giảm; hoạt động xây dựng và khai thác khoáng sản bóc khối lượng lớn đất đá làm mất ổn định mái dốc, tăng nguy cơ sạt trượt. Mặt khác, thời tiết biến đổi cực đoan, lượng mưa tập trung, cục bộ hoặc bị nghẽn dòng suối, sông sẽ gây nguy cơ cao phát sinh lũ bùn đá tạo nên nguồn nước lớn tập trung ở những thung lũng, khe suối cũng là nguyên nhân gây nên lũ quét. Thêm vào đó, nạn chặt phá rừng và cháy rừng; các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; sự gia tăng dân số và tập quán sinh hoạt của người dân cũng phát sinh nguy cơ rủi ro thiên tai.
 
 Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, trong những năm qua các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Cụ thể, các cơ quan ở T.Ư đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và sửa đổi năm 2020; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18-6-2018 về công tác Phòng, chống thiên tai (xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình) và Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13-7-2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Quan trọng nhất là, phải gấp rút hoàn thiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” theo Quyết định 351/QĐ-TTg ngày 27-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đặt ra thời hạn đến năm 2020 là xây dựng được bản đồ cho 37 tỉnh, thành phố có nguy cơ trượt lở cao, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được cho 15 tỉnh, thành phố.
 
 Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng và sớm ban hành tiêu chuẩn xây nhà khu vực miền núi, tập trung hỗ trợ địa phương xây dựng nhà an toàn trước bão, lũ. Bộ Giao thông vận tải tập trung xử lý các khu vực có nguy cơ sạt lở dọc đường giao thông… Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá trên 25 tỉnh, với tỷ lệ 1/50.000 cho từng tỉnh, theo đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã; thành lập các bản đồ phân bố mưa gây nguy cơ trượt lở đất đá cho 18 tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp các tổ chức quốc tế khảo sát, hình thành ba dự án nâng cao năng lực; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm; khảo sát thu thập dữ liệu tại vùng có nguy cơ cao.
 
 Khi xảy ra thiên tai, các địa phương cần phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Đối với những điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, cần ngăn chặn những hoạt động xây dựng có nguy cơ làm gia tăng sạt lở. Tuyệt đối không để công nhân, người lao động làm việc ở những công trình có nguy cơ sạt lở cao…