Xây dựng khu vực hòa bình, phát triển bền vững và toàn diện

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Xê-na Pạ-đây Tê-chô Hun Xen và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoong-lun Xi-xu-lít, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công lần thứ 9 (ACMECS 9), Hội nghị cấp cao Hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam lần thứ 10 (CLMV 10) và Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 11 (CLV 11) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào hôm nay (9-12). Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hội nghị cấp cao này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV và CLV, tăng cường liên kết giữa các nước trong khu vực, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước, hướng tới sự thịnh vượng và phát triển chung bền vững của cả khu vực.

Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm năm nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Ðược thành lập vào tháng 11-2003, tính đến nay, đã có sáu quốc gia chính thức trở thành đối tác phát triển của ACMECS gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Ấn Ðộ. ACMECS trải rộng trên các lĩnh vực hợp tác về thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, môi trường... ACMECS đặt mục tiêu trở thành khu vực kết nối Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương thông qua củng cố và xây dựng mới các hệ thống giao thông, gồm các hành lang kinh tế, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không; phát triển thị trường năng lượng khu vực thông qua xây dựng các mạng lưới đường truyền điện và các ống dẫn dầu và khí. Các nước thành viên ACMECS tăng cường hợp tác về thương mại - đầu tư thông qua hài hòa hóa và đơn giản hóa các quy trình qua cửa khẩu, cắt giảm hàng rào phi thuế quan; đồng nhất chuỗi giá trị và chuỗi cung cấp. Về phát triển kinh tế thông minh và bền vững, ACMECS thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, môi trường... Ðể triển khai Kế hoạch tổng thể ACMECS, các nước dự kiến thông qua 30 dự án ưu tiên dựa trên ba trụ cột phát triển của Kế hoạch tại Hội nghị cấp cao ACMECS 9 lần này.

Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Hợp tác CLMV khởi nguồn từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, vừa phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, vừa là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước CLMV trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các nước CLMV tập trung vào tám nhóm hợp tác gồm thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin, giao thông và du lịch. Tại Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 9 năm 2018, lãnh đạo các nước thành viên nhất trí ưu tiên các biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy du lịch và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, với mục tiêu nhằm tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác giữa ba nước, góp phần bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường… Sau hơn 20 năm được triển khai, cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV về cơ bản vẫn giữ vai trò là cơ chế gắn kết giữa ba nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở 13 tỉnh biên giới và giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực ở các tỉnh biên giới. Tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10 năm 2018, các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030, nhằm đưa CLV trở thành một cực tăng trưởng của ASEAN.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác ACMECS, CLMV và CLV, Việt Nam luôn chủ động đưa ra các sáng kiến, đóng góp nguồn lực để tăng cường kết nối và hợp tác giữa các nước. Sự tham gia của Việt Nam mang đến nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực, xây dựng các nền kinh tế CLMV hội nhập, bền vững, thịnh vượng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mê Công, nước ta đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước; đồng thời đẩy mạnh thành lập Nhóm công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hội nghị cấp cao ACMECS 9, CLMV 10 và CLV 11 lần này đã khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác trong khu vực; nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong ACMECS, CLMV và CLV; đẩy mạnh hợp tác giữa các nước; khẳng định cam kết của Việt Nam không ngừng đóng góp để xây dựng khu vực hòa bình, phát triển bền vững và toàn diện.