Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hôm nay, 24-9, tại Thủ đô Hà Nội, hơn 10 triệu đoàn viên và người lao động (NLÐ) trong cả nước nô nức chào đón Ngày hội lớn của giai cấp công nhân, NLÐ: Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ðây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và NLÐ, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn.

Thời gian qua, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước” cùng Nghị quyết các Hội nghị T.Ư 4, 5, 6, 7 khóa XII đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm lớn của Ðảng về phát triển đất nước, về xây dựng hệ thống chính trị và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, xây dựng tổ chức công đoàn. Quyết định số 655/QÐ-TTg ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Ðầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ về đời sống của công nhân, NLÐ… Ðây chính là kim chỉ nam cho hoạt động Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HÐH”, 5 năm thực hiện Luật Công đoàn (năm 2012), Công đoàn Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra. Ðiểm nhấn quan trọng, nổi bật trong nhiệm kỳ qua là hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLÐ được quan tâm thường xuyên. Công đoàn tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan NLÐ; nhiều chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống. Tổ chức công đoàn đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc cùng với các cấp, các ngành thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Nhờ đó, vai trò công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhờ hoạt động công đoàn, phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, NLÐ có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ðạt được kết quả trên là do sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Ðảng; sự quan tâm phối hợp của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp; tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn; sự nỗ lực phấn đấu của đông đảo đoàn viên và NLÐ, là kết quả của quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn.

Tuy nhiên, hoạt động công đoàn phát triển chưa đồng bộ; chưa phát huy hiệu quả những thế mạnh của tổ chức để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLÐ, thiếu gắn kết trong phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn còn chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới nhiều nơi còn yếu, còn biểu hiện hành chính hóa, chưa thật sự gắn bó với đoàn viên, NLÐ. Một số hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn còn mang nặng tính phong trào, phát triển chưa bền vững trên cơ sở tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Những hạn chế này kéo theo việc đời sống NLÐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đời sống tinh thần nghèo nàn, lương tối thiểu chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu của NLÐ và gia đình họ.

Những năm tới, tình hình thế giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tuy nhiên hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của NLÐ. Trong nước, bức tranh về kinh tế - xã hội được đánh giá có những diễn biến thuận lợi, khởi sắc với những dự báo tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn đan xen, đặc biệt là rủi ro lạm phát tăng cao trước những biến động giá năng lượng, hàng hóa cũng như chịu sự biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh ngày càng gay gắt dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, sẽ tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với NLÐ, đòi hỏi công đoàn Việt Nam phải tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, nâng cao năng lực đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ quyền lợi NLÐ, tích cực xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng xác định: Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... nhằm bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, thời gian tới Công đoàn Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả ba khâu đột phá: Ðổi mới phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện bảo vệ NLÐ; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Với chủ đề: “Ðổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là đại hội khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ CNH-HÐH và hội nhập quốc tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên. Ðồng thời, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLÐ, xây dựng quan hệ lao động phát triển bền vững, phát huy vai trò quan trọng của công nhân, viên chức, lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.