Thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ethiopia

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Liên bang (CHDCLB) Ethiopia M.Teshome, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp nhà nước tới CHDCLB Ethiopia từ ngày 23 đến 25-8. Đây là chuyến thăm lần đầu của Chủ tịch nước Việt Nam tới Ethiopia, đánh dấu mốc có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Ethiopia.

Nước CHDCLB Ethiopia nằm ở vùng Sừng châu Phi, có gần 100 triệu dân. Mặc dù có tiềm năng phát triển cả về công nghiệp và nông nghiệp, song nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân của Ethiopia (46% GDP). Ethiopia nổi tiếng với cà-phê xuất khẩu và các sản phẩm bông, dứa sợi, hoa quả, hạt tiêu, mía, gỗ. Quốc gia này cũng có số lượng đàn gia súc lớn nhất châu Phi và đứng thứ 10 thế giới, cung cấp thịt, sữa, da cho ngành công nghiệp chế biến.

Từ giữa năm 2015, Chính phủ Ethiopia đã thông qua Kế hoạch phát triển tăng trưởng và chuyển đổi lần thứ hai (GTP II), ưu tiên công nghiệp hóa, đô thị hóa và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Chính phủ Ethiopia chủ trương tư nhân hóa ngành ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may, da giày, thương mại nông sản và công nghiệp chế biến. Ethiopia được đánh giá là một trong những thị trường viễn thông có tiềm năng lớn với dân số đông thứ hai châu lục. Được coi là hình mẫu phát triển tại châu Phi, Ethiopia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp bốn lần trong giai đoạn 2009-2017. GDP bình quân đầu người năm 2017 ở mức 2.100 USD.

Thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, Ethiopia đã tranh thủ tối đa nguồn viện trợ để phục hồi và phát triển kinh tế. Với vị trí trung tâm ở vùng Sừng châu Phi, cửa ngõ vào khu vực miền đông châu Phi, Ethiopia là nơi đặt trụ sở của hơn 90 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Liên minh châu Phi (AU). Quốc gia này cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), AU, Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA)...

Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ethiopia ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-3-1976. Ethiopia đã ủng hộ và phối hợp tốt với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC 2016-2018). Mới đây, Ethiopia khẳng định chính thức ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam ủng hộ Ethiopia ứng cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao. Hai bên cũng ký các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật, đầu tư... Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai nước còn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ethiopia năm 2017 đạt 11,3 triệu USD. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã lập Văn phòng đại diện tại thủ đô Addis-Abeba và có kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh một số mặt hàng thiết bị viễn thông, quân sự sang Ethiopia.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới CHDCLB Ethiopia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; mở ra triển vọng hợp tác giữa Việt Nam với Ethiopia nói riêng và AU nói chung. Kết quả chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước sang trang mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.