Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân thăm chính thức nước ta. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga, diễn ra một tháng sau khi Thủ tướng nhậm chức và là lần thứ hai liên tiếp nhà lãnh đạo chính phủ mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, với GDP tính đến tháng 6-2019 đạt 5,2 nghìn tỷ USD. Trong thời gian nắm quyền từ tháng 12-2012 đến tháng 9-2020, cựu Thủ tướng Abe Shinzō đã triển khai mạnh mẽ Chính sách kinh tế mới Abenomics giai đoạn 1 gồm ba “mũi tên” là chính sách tiền tệ mạnh dạn, chính sách tài chính cơ động, chiến lược tăng trưởng mới; giai đoạn 2 với ba “mũi tên” mới là phát triển kinh tế, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và bảo đảm an sinh xã hội. Đến hết năm 2018, chính sách Abenomics đã đạt một số thành quả đáng chú ý, như quy mô nền kinh tế tăng hơn 10%; thu ngân sách quốc gia và địa phương tăng 250 tỷ USD; thêm 2,5 triệu việc làm...
 
 Sau khi nhậm chức tháng 9-2020, Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định sẽ tập trung kiểm soát dịch Covid-19, cân bằng giữa khống chế dịch bệnh và khôi phục kinh tế; duy trì chính sách Abenomics, cải cách hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ số hóa, giải quyết vấn đề dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm… Nhật Bản triển khai chính sách ngoại giao toàn cầu trên cơ sở “Quốc gia hòa bình”, chủ trương giải quyết tổng thể các vấn đề tồn tại sau chiến tranh thế giới thứ hai nhằm xây dựng hòa bình và phồn vinh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời kỳ mới.
 
 Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973. Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm G7 đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm (năm 1995), cũng là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011)... Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á tháng 3-2014. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Cựu Thủ tướng A-bê từng thăm Việt Nam bốn lần. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta nhiều lần thăm Nhật Bản, gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 10-2019.
 
 Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chín tháng đầu năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, đến tháng 9-2020, Nhật Bản có 4.595 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 59,87 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản là nước dành viện trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất cho Việt Nam, với 23,76 tỷ USD, đồng thời là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, với gần 952 nghìn du khách thăm Việt Nam trong năm 2019. Hợp tác nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây Nhật Bản liên tục cung cấp ODA cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Hợp tác lao động, giáo dục diễn ra sôi nổi. Hiện, Việt Nam đứng đầu về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản, với hơn 230.000 người. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục của Việt Nam. Hợp tác địa phương hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản khoảng 430.000 người, là cầu nối thúc đẩy quan hệ song phương.
 
 Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Dù phải hủy, hoãn một số hoạt động đối ngoại, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho nước ta thông qua cơ chế song phương, cũng như qua các tổ chức quốc tế.
 
 Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đi vào chiều sâu, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Chúc chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.