Xã Luận

Thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Xê-na Pạ-đây Tê-chô Hun Xen dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến 8-12 tới. Ðây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu của Thủ tướng Hun Xen sau khi Cam-pu-chia thành lập Chính phủ nhiệm kỳ VI vào tháng 9-2018, diễn ra trước thềm kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019).

hủ tướng Chính phủ nước CHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen cắt băng khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom nối hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (C
hủ tướng Chính phủ nước CHXH Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen cắt băng khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom nối hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (C

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia có những bước phát triển tốt đẹp. Nhân dân Việt Nam chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Cam-pu-chia đạt được dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni và dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hoàng gia. Trong đó, Cam-pu-chia đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, với tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao, thể hiện sự tin tưởng của cử tri vào tương lai phát triển của đất nước. Ðảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này. Tình hình an ninh, chính trị, xã hội Cam-pu-chia cơ bản ổn định. Kinh tế của đất nước Chùa Tháp đạt mức tăng trưởng khá cao, với mức tăng trưởng GDP trung bình hơn 7%/năm. Nông nghiệp, dệt may, du lịch và xây dựng là những lĩnh vực trụ cột chính của nền kinh tế Cam-pu-chia. Quan hệ đối ngoại của Cam-pu-chia được củng cố và mở rộng.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ở mỗi nước. Truyền thống đoàn kết đặc biệt này đã trở thành tài sản chung quý báu, thiêng liêng của hai dân tộc, cần được các thế hệ nhân dân hai nước gìn giữ và phát huy. Những năm qua, hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp nhằm thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả và tin cậy. Thủ tướng hai nước đã gặp gỡ để trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương bên lề các hội nghị quốc tế như: Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) lần thứ hai diễn ra tại Phnôm Pênh (tháng 1-2018), Hội nghị cấp cao hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) diễn ra tại Hà Nội (tháng 3-2018)… Hai bên đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Cam-pu-chia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật; ký thêm một số văn kiện hợp tác mới; tổ chức khánh thành các đài phát thanh ở các tỉnh của Cam-pu-chia do nước ta hỗ trợ.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,8 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2016. Việt Nam có 206 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia với tổng số vốn đăng ký là 3,02 tỷ USD, nằm trong tốp năm nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Cam-pu-chia. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia được giới lãnh đạo Cam-pu-chia đánh giá rất cao, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và phát triển của Vương quốc Cam-pu-chia. Ðầu tư của Cam-pu-chia vào Việt Nam cũng tăng lên. Ðến nay, Cam-pu-chia đã có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 58,125 triệu USD.

Hợp tác về quản lý biên giới giữa hai nước được chú trọng. Hai bên duy trì cơ chế tuần tra chung, kịp thời trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết các vụ việc phát sinh. Hai bên phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền vào thời gian sớm nhất nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước được xúc tiến thường xuyên. Việt Nam và Cam-pu-chia phối hợp tốt tại các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam...

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, đưa mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.