Tăng cường đóng góp có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu

Nhận lời mời của Quốc vương A-rập Xê-út Xan-man Bin Áp-đun A-dít An Xa-út, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm nay, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thể hiện tinh thần xây dựng, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu.

Được thành lập năm 1999, ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính ở châu Á, G20 thúc đẩy thảo luận về các vấn đề kinh tế và quản trị toàn cầu, tăng cường phối hợp giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Hội nghị cấp cao G20 đầu tiên được tổ chức năm 2008, thông qua tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị cao nhất về phối hợp hành động ứng phó các cuộc khủng hoảng kinh tế.
 
 Việt Nam lần đầu được mời tham dự các Hội nghị cấp cao G20 tại Ca-na-đa và Hàn Quốc vào năm 2010, với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục được mời dự Hội nghị cấp cao G20 và các hoạt động liên quan do Đức chủ trì. Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị cấp cao G20, với tư cách khách mời. Đây là các cơ hội để Việt Nam chuyển những thông điệp quan trọng và thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN, APEC với G20 về các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu.
 
 Hội nghị cấp cao G20 năm 2020 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều khó khăn: Kinh tế toàn cầu suy thoái, với triển vọng phục hồi bấp bênh, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt, cải cách quản trị kinh tế toàn cầu chưa có nhiều tiến triển. Trong khi đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước, cũng như việc triển khai Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG)...
 
 Với chủ đề “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân”, Hội nghị cấp cao G20 lần này ưu tiên mục tiêu phối hợp chính sách toàn cầu trong ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, tăng cường hệ thống thương mại đa phương, chống xu hướng bảo hộ. Các nhà lãnh đạo G20 thảo luận một loạt vấn đề lớn, như huy động nguồn lực và hợp tác nghiên cứu, sản xuất, phân phối vắc-xin phòng Covid-19 và nâng cao năng lực ứng phó các nguy cơ đại dịch trong tương lai; bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch và bao trùm, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); khẳng định vai trò kết nối, công nghệ số trong phát triển kinh tế số; thúc đẩy hoàn tất các SDG đúng thời hạn, sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý bền vững nguồn nước, bảo đảm an ninh lương thực...
 
 Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G20 lần này thể hiện sự ủng hộ, hợp tác tích cực của ASEAN và Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, cũng như trong các vấn đề phát triển và quản trị toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo G20 dự các phiên thảo luận về các chủ đề, như vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng kinh tế và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu cao...
 
 Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G20 chuyển đi thông điệp về kết quả tích cực của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19 và thúc đẩy khôi phục kinh tế sau đại dịch, về hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, thích ứng, cởi mở, tích cực đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam.
 
 Chúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G20 thành công tốt đẹp, khẳng định ASEAN và Việt Nam là thành viên tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp hiệu quả trong các vấn đề kinh tế, phát triển và quản trị toàn cầu.