Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Những năm gần đây, tội phạm mua bán người diễn biến tương đối phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều vụ mua bán người thông qua di cư trái phép với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm này đã trực tiếp xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em.

Báo cáo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Ðông sang châu Âu. Cơ quan chức năng các nước châu Âu đã điều tra, khám phá hàng nghìn vụ việc mua bán người và mua bán nội tạng xuyên quốc gia, khu vực. Tại Việt Nam, từ ngày 16-11-2015 đến ngày 15-5-2018, toàn quốc phát hiện 885 vụ mua bán người, với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. So với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015, giảm 22% số vụ, 32% số đối tượng và 8% số nạn nhân. Trong đó, nổi lên thực trạng người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan hoạt động tội phạm này. Các đối tượng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bán phụ nữ. Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nạn nhân đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao để đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán ka-ra-ô-kê ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ, ép buộc hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc bán ra nước ngoài. Trong khi đó, công tác phòng, chống mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Một số ban, ngành, đoàn thể chưa quan tâm chú trọng, chưa phát huy trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống mua bán người; chưa tạo dựng được phong trào phòng, chống rộng khắp và chưa thu hút được đông đảo người dân, nhất là phụ nữ tích cực tham gia. Hoạt động tuyên truyền ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, thiếu các kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cho nên hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, chưa xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này.

Ngày 31-12-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2546/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020. Qua hơn hai năm (2016 - 2018), các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, với những hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng. Với vai trò là cơ quan thường trực, chuyên trách, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản triển khai Luật Phòng, chống mua bán người; phê duyệt, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người và các đề án trong từng giai đoạn. Ðáng chú ý, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan mua, bán người, ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30-7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Ngày 3-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.

Để phòng, chống hiệu quả cao tội phạm mua bán người nói chung và mua bán người thông qua di cư trái phép nói riêng, các bộ, ngành và địa phương cần tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện có hiệu quả cao các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa mới ban hành có liên quan phòng, chống mua bán người và di cư trái phép, nhất là các nội dung và giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an cần chỉ đạo công an các địa phương, nhất là Cảnh sát hình sự và lực lượng quản lý xuất, nhập cảnh phối hợp Bộ đội Biên phòng triển khai kế hoạch nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung điều tra, thu thập, bổ sung thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua, bán người. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất, nhập cảnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các vùng trọng điểm để mỗi người dân hiểu rõ về tội phạm mua bán người, từ đó đề cao cảnh giác phòng tránh cho bản thân, gia đình. Ðây là công việc khó khăn, phức tạp rất cần sự quyết tâm vào cuộc của các ban, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nữa.