Nâng cao chất lượng đời sống của người có công với cách mạng

Trong những năm qua, chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự tôn vinh và tri ân, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với cống hiến của những người có công với cách mạng.

Các đoàn viên thanh niên thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phơi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bùi Anh Tuấn
Các đoàn viên thanh niên thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phơi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bùi Anh Tuấn

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020) năm nay cũng là năm thứ ba cả nước thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Với những mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chỉ thị 14, thời gian qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân  đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công, trong đó gần 1,4 triệu người có công được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công với cách mạng được quy định đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Hằng năm, ngân sách nhà nước còn dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; trong dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, Chủ tịch nước cũng dành hàng trăm tỷ đồng tặng quà  các đối tượng chính sách. 

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, ngành lao động - thương binh và xã hội đã đẩy nhanh tiến độ xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, nhất là giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, là việc tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng ở các ngành, cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân. Hơn 6.700 hồ sơ tồn đọng từ năm 2017 đến 2019 đến nay đã được rà soát và giải quyết; những hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện tiếp tục được xem xét giải quyết; những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý đối với đối tượng và thân nhân. 

Bên cạnh đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... được triển khai sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công  và gia đình người có công với cách mạng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công vẫn còn những hạn chế nhất định. Vẫn còn những trường hợp người có công với cách mạng  chưa được xác nhận; số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo. Đồng thời, việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội…

Chỉ thị số 14 đề ra mục tiêu đến năm 2020, tất cả các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, thể hiện nhất quán chủ trương công tác chăm sóc người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên, dành tối đa nguồn lực với mục tiêu ngày càng nâng cao hơn nữa đời sống người có công. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đối với người có công; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó sửa đổi căn bản, toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành theo tinh thần Chỉ thị số 14. Giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng với mục tiêu kết thúc việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng vào năm 2020; đồng thời tiếp tục hướng dẫn giải quyết đối với các trường hợp còn vướng mắc tại địa phương. Hoàn thành hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ và việc xóa nghèo đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; hoàn thành việc sửa thông tin trên bia mộ; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, cũng là thời điểm cả nước  phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.