Đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga lên tầm cao mới

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Liên bang Nga D. Medvedev bắt đầu thăm chính thức nước ta. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2019 - 2020, hai nước sẽ tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân dịp 25 năm ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng D. Medvedev đánh dấu mốc mới trong quan hệ song phương, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.

Nhân dân Việt Nam vui mừng chia sẻ những thành tựu về mọi mặt mà Nga đạt được trong thời gian qua. Tình hình chính trị - xã hội Nga dần đi vào ổn định, kinh tế phục hồi và phát triển. Vai trò của Nhà nước và chính quyền Trung ương được tăng cường, xu thế ly khai bị đẩy lùi, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tháng 5-2018, Tổng thống Nga V.Putin đã thông qua Sắc lệnh “Về các mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược phát triển Liên bang Nga đến năm 2024” xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong vòng sáu năm tới, theo đó chú trọng phát triển con người, nâng cao mức thu nhập và cải thiện điều kiện an sinh - xã hội của người dân, hiện đại hóa nền kinh tế Nga. Những năm gần đây, việc Nga bị Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước phương Tây cấm vận về kinh tế - tài chính cùng với giá dầu giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế. Năm 2017, kinh tế Nga đã có dấu hiệu vượt qua khủng hoảng, tăng trưởng GDP đạt 1,5%. Dự trữ ngoại hối đến hết tháng 4-2018 đạt 458 tỷ USD.

Nga là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đứng thứ hai thế giới về sản xuất khí đốt. Kim ngạch thương mại năm 2017 tăng 25% so với năm 2016, đạt 585 tỷ USD. Chính sách Viện trợ phát triển (ODA) duy trì ở mức 500 triệu USD/năm. Nga là một trong năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên G20, BRICS và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác. Nga đã thông qua Học thuyết đối ngoại mới vào tháng 11-2016 với nền tảng là chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, cởi mở trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và tôn trọng luật pháp quốc tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga, trong đó Mát-xcơ-va quan tâm phát triển quan hệ với Việt Nam, coi trọng vị trí của nước ta trong khu vực.

Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Việt Nam và Nga (trong thành phần Liên Xô trước đây) có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp ngay từ những năm nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ nhiệt tình và sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Liên Xô trước đây, trong đó có nhân dân Nga, đã dành cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước của Việt Nam. Quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố, phát triển.

Việt Nam và Nga thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, tạo động lực mạnh mẽ phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mà gần đây nhất là chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 9-2018 và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V.Mát-vi-en-cô thăm chính thức Việt Nam năm 2017. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy, hai nước có đồng quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga.

Quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch giữa hai nước có bước phát triển mới. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nga thời gian qua phát triển năng động, tuy nhiên chưa tương xứng tiềm năng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 3,55 tỷ USD. Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do năm 2015. Hiện Nga đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án, tổng số vốn đăng ký 990 tỷ USD.

Việt Nam có 22 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn gần ba tỷ USD. Năng lượng vẫn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra sôi nổi, góp phần tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trước đây, trong thành phần Liên Xô, Nga đã giúp đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề cho Việt Nam.

Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực với hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Nga D. Medvedev nhằm khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga; thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư. Chúc chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng D. Medvedev thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga lên tầm cao mới.