Đồng hành với nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng và xây dựng nông thôn hiện đại

Ngày 14-10-2020 tới là dấu son đánh dấu 90 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng giai cấp nông dân của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam. Hàng triệu cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đã và đang ra sức lao động, sản xuất, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam càng trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn, khi diễn ra vào năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Năm 2019 vừa qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành những chủ trương, chính sách tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong quá trình sản xuất, khơi nguồn lực để tăng thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

90 năm qua, dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân cả nước là lực lượng chính của cách mạng, đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với sự đồng hành của Hội Nông dân Việt Nam, khi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng hoàn thiện, đi vào cuộc sống, thì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nông dân ngày càng được bảo đảm trong mối quan hệ hài hòa với các giai tầng khác. Nhà nông trên khắp mọi miền Tổ quốc yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống. Một thế hệ người nông dân mới với năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp đã hình thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thực hiện ngày càng tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VII, các cấp bộ Hội Nông dân đã không ngừng đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; đẩy mạnh các phương pháp vận động, tuyên truyền, tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân làm giàu chính đáng; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu được nhiều thành tựu đáng mừng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước vẫn có hàng trăm hợp tác xã, hàng nghìn tổ hợp tác mới được thành lập; Hội Nông dân các cấp phát triển được hàng trăm tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; các cấp Hội, hội viên, nông dân cả nước đoàn kết khắc phục khó khăn, vừa lao động sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Tuy nhiên, những thành tựu, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng, các địa phương. Nông nghiệp nước ta phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp nhiều nơi còn chậm. Hình thức, phương pháp tuyên truyền của một số cấp hội Nông dân Việt Nam còn chậm đổi mới, thiếu thiết thực, thậm chí sa vào hình thức. Việc nắm bắt tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là giải quyết những tâm tư, băn khoăn, bức xúc của nông dân liên quan mặt trái khi thu hồi đất nông nghiệp, thiếu vốn sản xuất, ô nhiễm làng nghề, việc làm cho thanh niên nông thôn... chưa kịp thời. Việc tập huấn, hướng dẫn phát triển các mô hình, hình thức kinh tế mới cho nông dân còn chưa hiệu quả, chạy theo phong trào. Cán bộ Hội Nông dân nhiều địa phương làm chưa tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; năng lực chưa cao, lúng túng trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách nông nghiệp...

Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ to lớn trong giai đoạn cách mạng mới, đất nước hội nhập sâu rộng, giai cấp nông dân và các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XII; các nghị quyết T.Ư số 4, 5 và 6 tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hội Nông dân nghề nghiệp”, “Tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam” và “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025”. Bên cạnh đó, chú trọng tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đẩy mạnh công tác khởi nghiệp cho nông dân, tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, hội viên và bà con nông dân.

Giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, các cấp, các ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để Hội Nông dân hoạt động hiệu quả. Hội Nông dân Việt Nam phát huy cao độ tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Sự chủ động sáng tạo, đổi mới của các cấp Hội Nông dân là yếu tố quan trọng trong lan tỏa, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sự tự chủ, tự lực, sức năng động sáng tạo không ngừng vươn lên của giai cấp nông dân, góp phần xứng đáng thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.