Nhận định và kiến nghị

Khắc phục tình trạng lao động xuất khẩu bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp

Với đường lối đổi mới, những năm gần đây, sự nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) của nước ta có bước phát triển đáng mừng, mỗi năm đưa từ 60 đến 70 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở trong  nước.

Tại thời điểm này, Việt Nam có khoảng 400 nghìn lao động làm việc ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hằng năm lao động ta gửi về khoảng 1,5 tỷ USD, đã cải thiện đáng kể mức sống của nhiều gia đình và góp phần phát triển KT-XH đất nước.

Bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu, những năm gần đây, tình trạng lao động ta bỏ ra ngoài làm ăn, cư trú bất hợp pháp ở ngoài nước đã trở thành vấn đề bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng việc ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, gây phương hại lợi ích cộng đồng và của quốc gia. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ ra ngoài làm ăn, cư trú bất hợp pháp là khá cao: Nhật Bản từ 30 đến 40%, Hàn Quốc: 25-30%, Đài Loan: hơn 9%... Một số thị trường lao động tốn nhiều công sức mới mở được như Malaysia, Anh... cũng đã xuất hiện hiện tượng lao động bỏ ra ngoài. Tình trạng kể trên buộc các đối tác tiếp nhận lao động Việt Nam phải đặt vấn đề: Nếu lao động không thay đổi hành vi, Nhà nước Việt Nam không có biện pháp khắc phục có hiệu quả, thị trường lao động sẽ từng bước khép lại và đóng cửa đối với lao động Việt Nam.

Khi quyết định đẩy mạnh XKLĐ, Nhà nước ta đã có chủ trương bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài. Thể hiện qua việc đàm phán kỹ ở từng cấp; Nhà nước thẩm định các hợp đồng doanh nghiệp XKLĐ ký với đối tác nước ngoài; từng bước giảm chi phí của người lao động; Nhà nước và các địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ khâu đào tạo, giáo dục và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để lao động đi làm việc tại nước ngoài. Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ, đã xử phạt hành chính và kinh tế một số doanh nghiệp vi phạm, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của hàng chục doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về XKLĐ. Đối với những lao động không thực hiện cam kết trong hợp đồng, bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp, chúng ta mới chủ yếu thực hiện biện pháp thuyết phục, giáo dục, sau đó xử lý theo pháp luật dân sự, chưa có biện pháp xử lý mạnh mẽ, thiếu cả chế tài, cho nên tình trạng lao động bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp không giảm, ngày càng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện nguy cơ phá vỡ toàn bộ thị trường lao động hiện có của ta.

Hành vi bỏ ra ngoài làm ăn, cư trú bất hợp pháp của người lao động ở ngoài nước là vi phạm các quy định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ. Vì vậy, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt nặng các doanh nghiệp XKLĐ, các hành vi lừa đảo của một số tổ chức và cá nhân trong xã hội về lĩnh vực XKLĐ, rất cần thiết, cùng với các chế tài dân sự, kinh tế như hiện nay đối với lao động bỏ ra làm ăn cư trú bất hợp pháp, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để lập lại trật tự kỷ cương của doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực XKLĐ, tạo điều kiện để sự nghiệp XKLĐ phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả KT-XH và uy tín quốc gia được nâng cao.

Để khắc phục có hiệu quả tình trạng lao động bỏ ra ngoài, lập lại được trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực XKLĐ, chúng tôi kiến nghị các biện pháp:

- Xử phạt hành chính như “buộc về nước”; thông báo công khai danh tính người vi phạm bằng thông báo chính thức của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trong thời hạn nhất định (có thể là 30 ngày) kể từ ngày thông báo quyết định xử phạt nếu người vi phạm vẫn không chấp hành, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 274 Bộ luật Hình sự về “Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Đồng thời, trao cho Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người Việt Nam lao động ở nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

- Bên cạnh việc xử phạt hành chính, cần coi trọng việc giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội, khuyến khích người lao động tự giác chấp hành hợp đồng lao động đã ký, vì lợi ích quốc gia và lợi ích của chính mình.

- Có chính sách ưu đãi người lao động hoàn thành hợp đồng lao động ở ngoài nước mang tiền vốn tích luỹ được về đầu tư, phát triển sản xuất tạo việc làm ở trong nước.