Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Cái Lớn

NDO -

Chiều 18-8, UBND tỉnh Hậu Giang phát thông cáo báo chí về nguyên nhân tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn thị xã Long Mỹ và một phần của huyện Long Mỹ xảy ra trong tuần vừa qua, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trung tâm thị xã Long Mỹ bị ô nhiễm nguồn nước mặt.
Trung tâm thị xã Long Mỹ bị ô nhiễm nguồn nước mặt.

Qua phản ánh của người dân và theo dõi, khảo sát của các cơ quan bảo vệ môi trường, nguồn nước mặt trên sông, kênh, rạch (trong đó có đoạn sông Cái Lớn) thuộc địa bàn thị xã Long Mỹ và một phần của huyện Long Mỹ bị ô nhiễm (nước có màu đen). UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức khảo sát hiện trạng, phân tích chất lượng nước và xác định nguyên nhân gây ô nhiễm cho đoạn sông nêu trên.

Theo kết quả phân tích nhanh một số chỉ tiêu chất lượng nước mặt tại đoạn sông, kênh, rạch và trên ruộng nước có màu đen, hầu hết chỉ số đều vượt chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho mục đích cấp sinh hoạt ở cột A2, QCVN 08-MT:2015/BTNMT và cao hơn nhiều lần kết quả quan trắc nước mặt định kỳ trên sông Cái Lớn vào ngày 25-5-2020.

Kết quả xác minh cho thấy, tại khu vực ô nhiễm không xuất hiện nguồn xả thải lớn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nêu trên là do trên địa bàn các xã, phường tại thị xã Long Mỹ và một phần của huyện Long Mỹ vừa thu hoạch đồng loạt diện tích lúa hè thu, thời điểm thu hoạch diễn ra trùng vào thời điểm mưa kéo dài (do ảnh hưởng của bão số 2). Rơm rạ không được thu gom mà bị vùi lấp trên ruộng, dẫn đến ruộng bị ngập nước, rơm rạ bị phân hủy làm cho nước trên các cánh đồng bị ô nhiễm. Sau mưa bão, nước trên ruộng rút, thoát ra kênh nội đồng và chảy ra sông, kênh, rạch với lưu lượng lớn.

Mặt khác, do đặc điểm tự nhiên của khu vực thị xã Long Mỹ và một phần của huyện Long Mỹ nằm trong vùng giáp nước giữa triều biển Đông và biển Tây, tốc độ dòng chảy yếu, khả năng tiêu thoát nước kém, từ đó dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước kéo dài.

UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, để cải thiện chất lượng nguồn nước mặt bị ô nhiễm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường tuyên tuyền, khuyến cáo người dân tạm thời đắp mương, rãnh, bọng thoát nước từ ruộng ra kênh nội đồng trong thời gian chưa canh tác vụ lúa thu đông. Có kế hoạch đóng, xả luân phiên các trạm bơm nội đồng, nhằm giảm lưu lượng xả nước ô nhiễm từ đồng ruộng ra sông, kênh, rạch, tránh xả đồng loạt. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến lượng nước mặt tại các đoạn sông, kênh, rạch bị ô nhiễm…