Trồng lại cây mới khu vực rừng bị đốn hạ ở khu bảo tồn?

NDO -

NDĐT- Liên quan đến bài viết "Chuyện “động trời” tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?", phóng viên Nhân Dân Điện tử đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi. Theo đó, ông Mùi cho biết, để khắc phục hậu quả, những người liên đới phải bỏ tiền để tiến hành trồng lại cây mới khu vực rừng bị đốn hạ và xin lỗi vì để xảy ra sự việc.

Ông Trần Văn Mùi trả lời phỏng vấn.
Ông Trần Văn Mùi trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Ông giải thích như thế nào về việc khu rừng gần 1 ha ở khu vực đồi 90, thuộc quản lý của đơn vị bị đốn hạ?

Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi: Rừng ở đây là rừng tái sinh, gần như ở giữa lòng khu dân cư. Để phục vụ trồng cây dược liệu, chúng tôi đã chỉ đạo tiến hành cho phát dây leo, bụi rậm và cắt những cây cụt ngọn, sâu bệnh vì sau này trồng cây dược liệu sợ cây chết đè lên. Từ đó, tôi giao Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thuê người thực hiện. Tôi nghĩ người ta không dám làm sai, vì chung quanh đều có dân giám sát. Đến khi nghe nói hàng loạt cây bị đốn hạ, tôi cũng không thể tin được.

Phóng viên: Vậy ông thấy trách nhiệm của mình và những người có liên quan của Khu bảo tồn trong vụ việc này như thế nào?

Ông Trần Văn Mùi: Chúng tôi chỉ đạo chỉ chặt dây leo, phát dây bụi nhưng để xảy ra việc chặt như vậy (61 cây có đường kính từ 15 đến 60cm), là sai. Các cá nhân của đơn vị được giao dọn dây leo, bụi rậm tại khu đồi 90 đã thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến người làm công đã đốn hạ nhiều cây rừng. Đây bài học đau xót cho bản thân tôi, cũng như đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý và bảo vệ rừng.

Trồng lại cây mới khu vực rừng bị đốn hạ ở khu bảo tồn? ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra gốc cây hàng chục năm bị đốn hạ.

Phóng viên: Ông và những người liên quan gây ra sự việc có trách nhiệm khắc phục hậu quả như thế nào?

Ông Trần Văn Mùi: Về phần mình, chúng tôi nhận trách nhiệm sai trong quá trình chỉ đạo và sẽ họp kiểm điểm từng cá nhân. Hiện nay, sự việc do cơ quan chức năng điều tra, đơn vị sẽ tích cực hợp tác, cung cấp các tài liệu liên quan và cử người bảo vệ hiện trường. Sau đó, những cá nhân có liên đới phải bỏ tiền cá nhân mua cây gỗ lớn về trồng lại để thay thế những cây đã bị đốn hạ. Riêng tôi, đã có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1-3-2020, nhưng sau khi nghỉ, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tiếp tục lên khu vực này để cùng anh em khắc phục hậu quả.

Trồng lại cây mới khu vực rừng bị đốn hạ ở khu bảo tồn? ảnh 2

Một số cây gỗ sau khi đốn hạ đang được tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Phóng viên: Là người đứng đầu đơn vị được giao trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra sự việc này, ông có muốn nói gì với lãnh đạo và người dân Đồng Nai không?

Ông Trần Văn Mùi: Quá trình làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tin tưởng tôi, nhưng trong thời gian làm việc những tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu, tôi sơ suất để xảy ra sự việc, gây ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành. Do vậy, cho tôi gửi lời xin lỗi và mong cơ hội để sửa sai. Có thể, khi không làm việc nữa, tôi vẫn lên đây nhắc nhở anh em, thế hệ kế tiếp tôi sửa chữa.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Theo một số người dân từng tham gia trồng những cây rừng ở khu vực đồi 90 cách đây hơn 25 năm, trường hợp trồng lại cây mới thì để có được những cây rừng như vừa bị đốn hạ phải mất ít nhất vài chục năm sau. Trong khi đó, lý giải việc đốn hạ rừng ở khu vực trên do thiếu kiểm tra, giám sát của những người được giao nhiệm vụ, dẫn đến những người được thuê dọn dây leo, bụi rậm, tiến hành chặt luôn cây rừng của lãnh đạo Khu bảo tồn là rất khó thuyết phục. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, không ai được thuê làm công phát dây leo, bụi rậm lại đi đốn hạ đến 61 cây rừng có đường kính từ 15 đến 60 cm trong một thời gian dài. Do đó, các cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ vấn đề này để xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.

Trong báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành liên quan, ông Trần Văn Mùi nhận sai sót và lý giải vì nhiều lý do như: luân chuyển, thay đổi trong lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn, khối lượng công việc cuối năm nhiều nên các cá nhân được giao nhiệm vụ thiếu kiểm tra, giám sát những người làm công, dẫn đến đốn hạ hàng loạt cây rừng.

* Đồng Nai sẽ kiểm tra khu rừng bị phá ở khu bảo tồn

* Điều tra vụ đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng

* Chuyện "động trời" tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?