Tốc độ tan băng kỷ lục khiến Nam Cực lộ ra sa mạc cằn cỗi

NDO -

NDĐT- Lục địa băng giá Nam Cực thường được tuyết phủ trắng khiến người ta quên đi rằng nơi đây là một sa mạc, cho đến khi nhìn thấy nó không có tuyết trong đợt tan băng kỷ lục tháng 2 này.

Đảo Eagle của Nam Cực vào ngày 4 và 13-2. Ảnh: NASA.
Đảo Eagle của Nam Cực vào ngày 4 và 13-2. Ảnh: NASA.

Một cặp ảnh vệ tinh mới được Đài quan sát Trái đất của NASA chia sẻ hé lộ một thực tế rõ ràng. Vệ tinh Landsat-8 của NASA đã chộp lấy hai hình ảnh của đảo Eagle (một hòn đảo nhỏ ngoài khơi phía tây bắc của Nam Cực) vào ngày 4 và 13-2, những ngày nóng kỷ lục ở lục địa cực nam. Giữa hai hình ảnh, một lượng đáng kể của hòn đảo biến mất, cho thấy những vệt đá khổng lồ màu nâu cằn cỗi bên dưới.

Theo nhà nghiên cứu về sông băng Mauri Pelto, Giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Nichols ở Massachusetts, Mỹ, hòn đảo đã mất khoảng 20% ​​băng tuyết chỉ trong vài ngày.

"Việc tan băng thường xảy ra ở Alaska và Greenland, nhưng ở Nam Cực thì không", Pelto nói với NASA.

Sự tan chảy trùng khớp với không chỉ một, mà là hai đợt nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận ở Nam Cực trong tháng này. Vào ngày 6-2, một trạm nghiên cứu ở rìa phía bắc của Bán đảo Nam Cực (gần Nam Mỹ nhất) đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới là 64,9 độ F (18,3 độ C), vượt qua kỷ lục trước đó là 63,5 F (17,5 C), được thiết lập vào tháng 3-2015.

Tốc độ tan băng kỷ lục khiến Nam Cực lộ ra sa mạc cằn cỗi ảnh 1

Nhiệt độ không khí ở Nam Cực vào ngày 9-2. Ảnh: NASA.

Vài ngày sau, vào ngày 9-2, các nhà nghiên cứu trên đảo Seymour gần đó đã thấy nhiệt kế của họ đạt 69,35 F (20,75 C), thiết lập một đỉnh cao khác của mọi thời đại cho Nam Cực.

Những hình ảnh mới cho thấy, nhiệt độ cao đó đã gây ra sự tan chảy đáng kể trên các sông băng gần đó. Theo Giáo sư Pelto, đảo Eagle đã mất gần 1 dặm vuông (1,5 km vuông) tuyết vì sức nóng, tạo ra một số ao nước lớn màu xanh sáng ở trung tâm hòn đảo.

Trong khi mùa nào cũng có đỉnh cao, mùa hè này đặc biệt ấm áp ở Nam Cực, ông Pelto nói. Châu lục này đã chứng kiến ​​hai đợt nóng trong mùa này - một vào tháng 11-2019 và một vào tháng 1 năm nay. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng những sự kiện tan chảy đáng kể như thế đang trở nên phổ biến hơn khi sự nóng lên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát.

Tốc độ tan băng kỷ lục khiến Nam Cực lộ ra sa mạc cằn cỗi ảnh 2