Tọa đàm về chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã

NDO -

NDĐT - Ngày 30-6, Thư viện Quốc hội - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Tọa đàm về chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước khu vực châu Á - Kinh nghiệm đối với Việt Nam lần thứ 2.

Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Từ đầu năm 2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã thắt chặt các chế tài xử phạt, tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) có thể bị phạt tiền lên tới 15 tỷ đồng (tương đương với 630.000 USD) và bị phạt tù lên tới 15 năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm nóng về tiêu thụ và trung chuyển nhiều loài ĐVHD.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho biết, tại Việt Nam, việc bảo vệ ĐVHD đã có những tiến bộ và được quan tâm hơn. Gần đây nhất, ngày 28-1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/TC-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung yêu cầu cấm nhập khẩu ĐVHD vào Việt Nam nhằm phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, hướng tới việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ trái phép sản phẩm từ ĐVHD tại Việt Nam.

Tọa đàm về chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã -0
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản. 

Theo ông James Compton, Giám đốc cao cấp Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – TRAFFIC, Việt Nam đã có những thành tích tốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngành công nghiệp du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và trở thành một điểm đến an toàn và bền vững. Việt Nam xếp thứ 16 trong số các quốc gia trên thế giới về mức độ đa dạng sinh học, nhưng sự suy giảm của các loài bản địa như hổ, báo gấu và cả tê tê đang rung lên hồi chuông báo động. Và Việt Nam cần thiết phải có những giải pháp bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ: Sử dụng ĐVHD thể hiện sự tham lam của con người về thiên nhiên. ĐVHD góp phần vào việc cân bằng hệ sinh thái. Cần nâng cao nhận thức con người về thiên nhiên để tránh những đại dịch trong tương lai. Đại dịch Covid-19 chính là một sự phản ứng từ thiên nhiên do con người tác động vào. Bà cũng kiến nghị cần sớm xây dựng một luật về bảo vệ Động vật hoang dã.

Tọa đàm về chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã -0
Bà Trần Thị Quốc Khánh. 

Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam nói: “Sức ép từ cộng đồng quốc tế và sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là những yếu tố thúc đẩy Việt Nam cần sớm có những chính sách mạnh mẽ hơn và những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD. Chấm dứt nhu cầu sử dụng ĐVHD không chỉ là cách bảo vệ sức khỏe của con người khỏi những virus truyền bệnh lạ nguy hiểm mà còn góp phần vào việc bảo tồn, duy trì giống nòi và sự sinh tồn cho nhiều loài ĐVHD nguy cấp”.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận những kinh nghiệm từ các quốc gia như Trung Quốc, Australia... về công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã; tầm quan trọng trong thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông điệp, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về việc không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD có nguy cấp; đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông trong xã hội.

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách bảo vệ, bảo tồn ĐVHD và phương thức tuyên truyền hiệu quả. Theo đó, việc định hướng chiến lược tuyên truyền mang tính quốc gia và tập trung vào đối tượng người sử dụng. Các hoạt động truyền thông được coi là phương thức góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, giảm thiểu và hướng tới chấm dứt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và các ý kiến của các đại biểu tham dự, kết quả thu được từ cuộc Tọa đàm khoa học này sẽ được tổng hợp và cung cấp thêm thông tin đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị và ban hành chính sách, pháp luật liên quan của Việt Nam.